Số hóa

Người phụ nữ yêu điện thoại Nokia hơn yêu chồng

Chị Hồ Ngọc ở quận 4, TP HCM, dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm điện thoại Nokia khiến nhiều lần bị chồng "mắng" là quên mất chồng.

Chị Hồ Ngọc có niềm đam mê mãnh liệt với điện thoại Nokia. Bộ sưu tập của chị không những hiếm, độc, lạ mà còn mang những câu chuyện thú vị về quá trình sưu tầm điện thoại cổ.

Chị Ngọc bắt đầu có "cảm tình" với điện thoại và dành thời gian sưu tầm chúng kể từ năm 2007. "Năm đó, tôi được mẹ mua cho chiếc Nokia 8250 và những đường thẳng, nét cong của nó khiến tôi bị mê hoặc. Kể từ đó, dành được bao nhiêu tiền tôi đổ vào sưu tầm chỉ Nokia mà thôi", chị Ngọc kể lại.

Khi mới chơi, chị không được ai trong gia đình ủng hộ. Ba mẹ thì cho rằng điện thoại là thứ vô bổ, tốn tiền (giá điện thoại khi đó không hề rẻ so với mặt bằng chung), bạn bè luôn trêu chọc "con gái mà lại có sở thích đàn ông".

Để có thể tìm được chiếc điện thoại ưng ý không hề dễ dàng, nhất là những mẫu có từ trước năm 2000. Chị lên mạng tìm mua, tuy nhiên, khi đó việc mua bán cũng khó khăn do Internet hạn chế và cũng chưa nhiều người chơi, nên không thể săn lùng được những mẫu quý hiếm.

"Tôi bị lừa nhiều lần lắm, mỗi lần tốn cả mấy triệu đồng, thường là bị người ta lừa vì mình chỉ để ý hình thức bên ngoài, xem qua bên trong, được mắt thì mua thôi, chứ chưa có kinh nghiệm xem đồ thật, đồ giả. Chuyện 'ôm' về máy Trung Quốc dựng, thay main thay vỏ diễn ra như cơm bữa", chị Ngọc cho biết.

Chị Hồ Ngọc.

Bên cạnh đó, do chưa biết cách bảo quản điện thoại, việc máy bị ẩm, hư hỏng xảy ra như "cơm bữa". Chị đã nhiều lần bật khóc khi cầm chiếc điện thoại hỏng không thể sửa, thậm chí chán nản và có ý định bỏ chơi.

Do gia đình có kinh doanh hàng điện tử ở Campuchia, chị sang đó và có cơ hội tiếp xúc với một số người buôn bán điện thoại cổ. Nhờ vậy, chị đã tìm được một số chiếc mà mình ưng ý mà ở Việt Nam chưa có (hoặc có nhưng hạn chế).

Trở về nước sau hơn 1 năm, chị bắt đầu tìm hiểu dân chơi điện thoại cổ tại Việt Nam. Nhờ các diễn đàn như SL4x hay trang bán hàng điện tử như 5giay, chị bắt đầu giao lưu với nhiều dân chơi tại TP HCM và quen được một số người. Từ đây, chị bắt đầu được chỉ dẫn cách chơi nhiều hơn, giao lưu điện thoại nhiều hơn.

"Chơi một mình và khi có các anh em khác nhau nhiều lắm. Là đứa con gái duy nhất trong nhóm, tôi được các anh cưng chiều, cái gì cũng chỉ bảo, nhờ vậy mà tôi ngộ ra được rất nhiều thứ. Không chỉ sưu tầm được điện thoại yêu thích, tôi còn biết cách phân biệt hàng giả, hàng dựng... mà chỉ cần nhìn qua", chị kể.

Chị Ngọc đang sở hữu khá nhiều điện thoại cổ, đặc biệt là điện thoại Nokia.

Sau khi được các anh chị chỉ bảo, chị bắt đầu tìm kiếm điện thoại ở các website thương mại điện tử nước ngoài, bằng cách đặt hàng trực tiếp hoặc nhờ bạn bè xách tay về. Từ đây, chị đã đưa vào bộ sưu tập nhiều mẫu mới mà ở Việt Nam không có.

Mua bán qua mạng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là mua hàng từ nước ngoài. Chị kể, việc đơn hàng bị giữ ở nước ngoài rồi bị trả lại tiền, hàng về chậm, về không đúng máy, máy chất lượng kém, máy không đúng tình trạng như ban đầu thậm chí bị thất lạc diễn ra thường xuyên. Ngay cả khi về nước, việc bị hải quan chặn lại (do nhập đồ điện tử đã qua sử dụng) khiến chị đành ngậm ngùi chia tay một số mẫu yêu thích.

"Nhưng nếu được cầm trên tay máy mà mình yêu thích, cảm giác vui sướng không gì bằng luôn. Khi đó, tôi nhảy nhót khắp nhà, thậm chí bị mẹ mắng là khùng, điên này nọ. Buổi tối, tôi còn ôm nó ngủ, mơ về nó", chị Ngọc hài hước.

Thế nhưng, niềm đam mê điện thoại cổ bị cắt ngang khi đến năm 2010, chị lấy chồng. "Tôi còn mê điện thoại hơn cả mê chồng ấy. Chúng tôi thường xuyên tranh cãi và cuối cùng tôi phải ngừng chơi để chăm lo cho gia đình nhỏ. Khi đó, tôi buồn lắm, vẫn thường nhớ đến chúng một thời gian", chị kể.

Năm 2015, khi công việc gia đình ổn thoả, kinh tế khá hơn, chị quay trở lại với thú chơi này. Nhờ quen biết các anh em cũ, chị đã sưu tầm lại khá nhiều mẫu Nokia mà mình yêu thích trước đây. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn buồn vì thế hệ các anh em cùng chơi, nhiều người đã không còn yêu điện thoại cổ nữa.

Chị Ngọc có thể đọc vanh vách thông tin những chiếc điện thoại Nokia, cũng như những thủ thuật để phân biệt hàng thật, hàng giả đơn giản nhất. Chị cũng đang sở hữu nhiều mẫu điện thoại Nokia từ phổ biến đến quý hiếm, như mẫu 7600 'giọt sương ban mai', 7900 Hồng ngọc, Nokia 3220 Star War... cùng nhiều máy full box (đầy đủ hộp và phụ kiện). Đặc biệt, chị còn có rất nhiều mẫu proto - những mẫu nằm trong phòng thí nghiệm bị rò rỉ ra ngoài, chưa hoàn thiện về thiết kế cũng như tính năng. Bên cạnh điện thoại Nokia, chị còn "lấn sân" sang một số mẫu quý hiếm đến từ Motorola, Siemen hay BlackBerry.

Proto - một trong những loại điện thoại mà chị Ngọc thích sưu tầm. Trên đây là 2 chiếc Nokia E52, một trong số đó chưa được trang bị đèn flash, cả hai đều có tính năng hạn chế vì là bản thử nghiệm.

Nói về cách bảo quản điện thoại cổ, chị Ngọc cho biết, cách "cổ điển" nhất vẫn là tháo rời pin và để nơi khô ráo, tốt nhất vẫn là tủ chống ẩm. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra bằng cách bỏ sim và gọi thử vài cuộc, không nên để máy không hoạt động thời gian dài. Ngoài ra, cần tránh xa các nguồn nóng hoặc lạnh hơn so với nhiệt độ bình thường.

"Để có thể chơi được điện thoại cổ, cái quan trọng nhất phải là đam mê. Có được nó rồi, những thứ khác bạn có thể học hỏi. Những người từng và đang chơi sẽ là nguồn kinh nghiệm quý giá nhất, kể cả về cách chơi lẫn cách chọn mua, nơi mua uy tín... Internet, đặc biệt là mạng xã hội là kho kinh nghiệm vô tận mà bạn có thể tìm hiểu", chị Ngọc nhắn nhủ.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: nokia , phụ nữ , chồng , điện thoại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP