Mẹ đã như ngọn đèn trước gió mà con vẫn ốm đau liệt giường... Từng là “người hùng”, nhưng giờ Thuận chỉ còn biết trông vào mẹ già - Ảnh: QUỐC NAM |
Ai cũng có lòng tự trọng. Nhưng đến nước này rồi phải gác tất cả qua một bên. Sự sống của con là trên hết. Bà Ngô Thị Vinh |
Phạm Văn Thuận (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) từng được xem như người hùng. Bất ngờ một tai nạn nghiêm trọng ập xuống khiến anh liệt hoàn toàn nửa thân dưới, phải nằm một chỗ.
Nạn tai dồn dập
Để có tiền thuốc thang cho con, bà Ngô Thị Vinh - mẹ Thuận - phải lê lết khắp nơi, ngửa tay xin từng đồng tiền lẻ. Bà nghẹn giọng tâm sự thật lòng không bao giờ muốn làm điều này, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác...
Đến giờ, người dân Hưng Trạch vẫn rùng mình nhớ lại trận lũ kinh hoàng trăm năm mới có một lần ấy. Hôm đó, lũ lên nhanh từ lúc nửa đêm. Thuận cùng hai người em bà con đội đèn chạy ra bờ sông xem mực nước.
"Khi ra đến mép sông mới khiếp. Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về. Lũ trên sông đã băng qua khu dân ở và nhanh chóng ngập sâu" - Thuận kể.
Anh đang lớ ngớ giữa bốn bề nước lũ thì gặp ông Trần Quang Thịnh, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Ông lo lắng nói mình vừa thử bơi vào trường tiểu học cứu 6 giáo viên cùng 2 trẻ nhỏ đang bị mắc kẹt nhưng nước xiết quá, không qua được. Họ đang gặp nguy ở lớp học tầng 1.
Cửa lối lên tầng 2 đã bị khóa mà chìa lại không có ở đó. Lũ lên nhanh từng phút. Các giáo viên phải kê bàn lên nhau để ngồi. "Bằng mọi giá phải bơi vô phá được cửa lên tầng 2 mới cứu được họ" - ông Thịnh nói.
Ông Trần Văn Thái, nguyên chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, thời điểm đó cũng có mặt tại khu vực. Ông kể các giáo viên đã bắt đầu gào khóc kêu cứu vì nước lên nhanh quá, có thể ngập hết tầng 1. Biết Thuận là người bơi giỏi có tiếng trong vùng, nên ông Thịnh đã nhờ Thuận bơi vào cứu nhóm giáo viên và 2 trẻ thơ.
Không đắn đo, Thuận vừa nghe chuyện đã lao ngay ra dòng lũ. Hai người em họ cũng cùng bơi theo giúp anh. Đoạn ngập lũ nặng cách trường cả trăm mét. Trong tay không có bất cứ phương tiện cứu hộ nào, Thuận cùng hai em phải gồng mình vượt qua đoạn nước chảy xiết nhất.
"Nói thiệt khi nớ (đó) tui cũng liều thôi. Cũng biết rủi ro. Nhưng mần răng (làm sao) nói không được khi nghe tiếng kêu cứu khản cổ" - Thuận tâm sự.
Cuối cùng, nhóm Thuận cũng bơi vào được trường. Lũ thời điểm đó đã dâng lên sát gầm bàn trên cùng của nhóm giáo viên kê lên. Thuận bơi đến cửa lên tầng 2 để tìm cách phá khóa. Mất thêm nửa giờ mở cánh cửa này, Thuận và hai em lại bơi về lớp học để dìu từng người ra và đưa lên tầng. Đồng hồ đã điểm hơn 2h sáng.
Cô giáo Ngô Thị Tình, một trong những giáo viên được cứu, tâm sự đó là khoảnh khắc ám ảnh nhất đời. Nếu không có Thuận và 2 em bơi vào cứu kịp thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cô nói không bao giờ quên ơn người đã cứu mình!
Sau lần ấy, Thuận được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen. Hai người em họ cũng được huyện Bố Trạch khen thưởng. Nhưng từ sau đó, bi kịch liên tục ập đến với "người hùng" này.
Năm 2012, Thuận đi bốc xếp gỗ thuê. Ôtô đầy gỗ bất ngờ lật đè lên 3 thanh niên đang làm việc khiến 2 người chết. Thuận may mắn thoát nạn, nhưng bị gãy chân và xương vai. Năm 2016, Thuận đang xúc cát bên sông về sửa lại nhà thì trời mưa lớn. Anh trú bên bờ sông thì bị lở. Đống cát lớn ập lên người. Thuận vùng vẫy thoát khỏi đống cát nhưng cột sống bị tổn thương ngang hông. Thuận liệt hoàn toàn nửa thân dưới, nằm một chỗ đến nay.
Nhiều người hiểu chuyện, cảm thương hai mẹ con - Ảnh: QUỐC NAM |
Mẹ già hành khất cứu con
Lúc tôi ghé, Thuận vẫn nằm im lìm trên giường. Nhà tôn mùa hè nên mồ hôi đẫm trên mặt. Đôi chân bất động bốn năm đã teo lại, nhưng Thuận vẫn cố cười, nhất là khi có mặt mẹ. Anh biết mình đã trở thành gánh nặng trĩu vai mẹ già, nên anh cố tỏ ra lạc quan để mẹ đỡ tủi buồn.
Thương con nhưng chỉ khi quay mặt đi, bà Vinh mới ứa nước mắt. Tổn thương của Thuận phải dùng thuốc đều đặn theo tháng. Thuận nằm một chỗ dài ngày nên lưng bị loét, phải bôi thuốc thường xuyên. Để có tiền mua thuốc cho con, người mẹ đành lòng cắp nón đi ăn xin!
Cứ gần đến ngày con hết thuốc, bà phải nhờ người bà con gần nhà qua trông Thuận giúp. Bà cầm theo mấy bài báo photo viết về hành động dũng cảm của Thuận ngày trước và hình ảnh bệnh tật hiện tại. Đi nhờ xe buýt về TP Đồng Hới, rồi bà cuốc bộ đến các quán cà phê, chợ để xin. Nhưng cứ xin đủ tiền thuốc cho con là bà ngừng, không xin thêm nữa.
Bà nói phải lặp lại hành động đắng ngắt này suốt gần hai năm qua vì không còn lựa chọn nào khác. Chồng mất khi bà đang mang bầu Thuận mấy tháng. Một mình mẹ phải vật lộn đủ việc để nuôi Thuận và người chị gái. Bà phải làm cả thợ nề.
Để có tiền nuôi con, bà không ngại khổ. Nhưng từ khi Thuận nằm một chỗ, bà phải gác lại mọi việc, lo con từng miếng ăn, vệ sinh hằng ngày. Bà cũng chưa từng nghĩ có lúc mình phải ngửa tay đi ăn xin. "Ai cũng có lòng tự trọng. Nhưng đến nước này rồi phải gác tất cả qua một bên. Sự sống của con là trên hết" - bà Vinh quệt nước mắt!
May mắn, nhiều người cũng biết chuyện Thuận cứu người trước đây nên cảm thương. Bà Hồ Thị Phượng, chủ một quán ăn ở khu du lịch Phong Nha, hay giúp bà Vinh nhất. Bà Phượng kể lần đầu người mẹ này vào quán xin tiền bà cũng hoài nghi. Nhưng khi biết chuyện, bà không cầm lòng được. Có khi bà Phượng nhét luôn tờ trăm ngàn gửi cho Thuận mua thuốc. Bà còn đứng ra xin khách trong quán giúp.
Một lần, thấy bà Vinh đi xin, có người còn dẫn bà vào đồn công an ở Ba Đồn vì nghi giả vờ. Các chú công an biết rõ chuyện hai mẹ con, còn góp giúp thêm tiền thuốc. "Bất đắc dĩ phải muối mặt đi xin. Nhưng gặp những lúc như rứa thấy ấm lòng lắm" - bà Vinh nói.
Ngọn nến nhỏ trên bàn thờ leo lét trước gió. Mái tóc người mẹ bạc trắng bên con đang héo hắt từng ngày…
Xã đã làm hết cách Ông Ngô Đức Thắng, chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, nói chính quyền xã cũng cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ mẹ con bà Vinh từ khi Thuận bị nạn. "Thuận luôn được ưu tiên trong các chương trình hỗ trợ của xã. Bất cứ chương trình từ thiện gì Thuận cũng được xét đầu tiên. Dân trong vùng biết rõ việc Thuận làm trước đây nên ai cũng ủng hộ. Nhưng sức địa phương có hạn, không thể đứng ra nuôi Thuận cả đời được. Nên chỉ có thể làm được như thế" - ông Thắng nói. |
Bạn đọc hỗ trợ cho anh Phạm Văn Thuận, vui lòng chuyển về tài khoản báo Tuổi Trẻ số: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung ghi rõ: ủng hộ anh Phạm Văn Thuận.
|
Tác giả: QUỐC NAM
Nguồn tin: tuoitre.vn