Du lịch

Người Hội An xa dần, phố cổ giờ 'rỗng ruột'

Khách tới đông khiến Hội An (Quảng Nam) trở thành nơi buôn bán, kinh doanh sầm uất. Bên cạnh đó, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ ngày một nhanh làm phố cổ "rỗng ruột", đánh mất dần hơi thở bản địa.

Một cửa hiệu kinh doanh trên đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.

Mừng vì khách du lịch tới ngày một đông, nhưng TP Hội An cũng rất lo trước việc linh hồn phố cổ dần phai nhạt. Lượng người Hội An sinh sống nhiều thế hệ trong các nhà cổ dần dịch chuyển ra ngoài.

Ông Nguyễn Văn Sơn (phó chủ tịch UBND TP Hội An)

Tối 12-10, một lần nữa Hội An được thế giới xướng tên với danh hiệu "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á" tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới 2019.

Đây là danh hiệu thứ 4 trong năm mà phố cổ này đón nhận. Vinh dự với "mưa" danh hiệu, nhưng nhiều nhà quản lý tại TP Hội An cũng bày tỏ nỗi lo lắng với phố cổ mong manh.

Khách tới Hội An tham quan gia tăng 5-10% mỗi năm, từ đầu năm tới nay có gần 4 triệu lượt, nhưng đằng sau đó tạo nên một nguy cơ lớn đối với sự toàn vẹn "linh hồn" - điều đã làm nên nét đẹp của phố cổ.

Những con số được công bố từ "kết quả điều tra tình hình sở hữu sử dụng nhà ở, nhà thờ tộc của khu vực I đô thị cổ Hội An" do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện gần đây đã cho thấy điều đó.

300 căn nhà được chuyển nhượng, cho thuê

Theo điều tra, trong tổng số hơn 600 nhà cổ được khảo sát, có 155 nhà hiện được dùng cho kinh doanh. Để phục vụ kinh doanh, các ngôi nhà cổ đã được tận dụng tối đa diện tích, thu hẹp không gian sinh hoạt để lấy chỗ bày biện hàng hóa.

Chúng tôi gọi vào số điện thoại treo trên tấm bảng một căn nhà cổ rất đẹp ở đường Nguyễn Thị Minh Khai và được chủ ngôi nhà này cho biết họ muốn cho thuê với giá 50 triệu đồng/tháng cho gian nhà chỉ gần 100m2.

Chủ nhà này nói trước đây gia đình nhiều thế hệ sinh sống trong nhà cổ, nhưng nhiều năm nay họ đã chuyển ra ngoài bởi diện tích nhà cũ không còn đủ cho gia đình đông đúc.

Số liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng cho thấy từ năm 2000 đến nay, trong 470 nhà cổ của người dân thì có tới 115 ngôi nhà thay đổi chủ sở hữu. Thậm chí một số ngôi nhà cổ chuyển nhượng qua lại 2-5 chủ.

Việc chuyển nhượng từ 10 năm trở lại đây tăng gấp đôi so với những năm 2000 - 2009. "Hiện nay, giá trị chuyển nhượng của một ngôi nhà trong khu phố cổ là rất lớn, từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Thời gian tới việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cổ sẽ còn tăng, tác động không hề nhỏ tới phố cổ.

Các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích như tín ngưỡng, nếp sống, sinh hoạt văn hóa... bị thay đổi" - ông Võ Hồng Việt, cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhận định.

Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói con số nhà dân được chuyển nhượng, cho thuê trong thực tế là trên 300 căn. Việc này tạo ra sự mất mát rất lớn trong lòng phố cổ bởi Hội An là di tích, di sản sống. Hoạt động của con người tại chỗ nhiều đời sinh hoạt hằng ngày cũng là một nét đẹp, tạo nên hồn cốt phổ cổ nhưng nay mất dần.

"Người kinh doanh tiếp nhận nhà thì xu hướng chung là họ chỉ muốn lấy không gian để bày biện hàng hóa, chỗ thờ tự, không gian dành cho đời sống bị cải tạo, thay đổi dần" - ông Sơn nói.

Ai sở hữu nhà cổ Hội An?

"Trong 115/470 trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cổ ở khu vực I thì có đến 24 trường hợp là người ngoại tỉnh, 89 trường hợp là người Hội An, 1 người trong tỉnh Quảng Nam" - số liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nêu.

Ông Nguyễn Chí Trung, nguyên giám đốc trung tâm, cho rằng cần nhìn hiện tượng ở hai mặt. Theo ông, mức tăng dân số ở Hội An chủ yếu là tăng cơ học và Hội An luôn gia tăng tầng lớp dân cư có chất lượng. "Sự thay đổi chủ sở hữu làm nên một bức tranh đa văn hóa, đa tính cách, đa màu sắc" - ông Trung nói.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng sự thay đổi theo hướng gia tăng nhanh việc chủ sở hữu từ nơi khác vào thay thế người dân tại chỗ nếu không quản lý tốt, điều chỉnh kịp thời sẽ làm rạn nứt văn hóa, đặc trưng của phố cổ.

Người kinh doanh khi khai thác quá mức, chạy theo lợi nhuận từ việc sinh sống trong nhà cổ mà bỏ qua tính cộng đồng vốn được duy trì lâu nay, thiếu tôn trọng các quy tắc ứng xử thì sẽ làm hình ảnh Hội An bị tổn thương.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, để giữ hơi thở đời sống cho phố cổ, ngoài việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ dân bám trụ giữ nhà, chính quyền còn thắt chặt công tác quản lý, đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về việc gìn giữ không gian chung thông qua các bộ quy chế quản lý phố cổ đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán trong phố cổ.

* Ông VÕ PHÙNG (nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An):

Cần tính tới việc Nhà nước thuê, mua lại nhà cổ

Phải mất hàng trăm năm để một ngôi nhà cổ có hơi thở, có linh hồn, hơi ấm con người. Nhưng chủ nhân nhiều đời ở đó rời đi rồi thì chỉ là căn nhà giả cổ. Chúng ta không thể cấm người dân mua bán, chuyển nhượng được, nhưng việc này cũng cần đến lúc phải báo động, can thiệp sớm.

Hiện nay người lớn tuổi, là người Hội An "gốc", vẫn còn sống ít nhiều trong phố cổ. Bởi vậy cần sớm tranh thủ ý kiến của họ để tập hợp và ban hành bộ quy ước cộng đồng.

Nếu là nhà cho thuê thì người kinh doanh cũng phải cam kết giữ gian thờ tự, tham gia các hoạt động sinh hoạt đời sống hằng ngày mang tính văn hóa, đời sống bản địa của địa phương.

Một giải pháp khó nhưng cần phải tính tới là về lâu dài Nhà nước cần bỏ tiền mua hoặc thuê lại những căn nhà thuộc di tích đặc biệt, cấp 1, cấp 2.

Nhà nước thương lượng mua để giữ linh hồn nhà cổ, sau đó cho người nơi khác hoặc chính chủ cũ của căn nhà đó thuê lại. Hoặc Nhà nước cũng có thể đổi đất, hạ tầng cho chủ nhà cổ để rồi sở hữu lại, giữ không gian cho lâu dài.

Tác giả: THÁI BÁ DŨNG

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: Phố cổ , hội an

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP