Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Công Định – Bí thư chi bộ khối 6, thị trấn Khâm Đức bức xúc: “Một ngày điện cúp rất nhiều lần. Nhà có máy xay xát, sáng nay bị cúp điện, máy dừng đột ngột, khi có lại thì bị gãy ống xoắn”.
Ông Định với trục xoắn máy xay xát bị gãy do cúp điện |
Ông Định cho hay, nếu trời mưa bão, cúp điện là chuyện bình thường, đằng này trời không mưa gió mà có ngày điện cúp cả chục lần. Có lúc điện bị cúp vài chục giây, có lúc cúp nhiều tiếng khiến cho công việc làm ăn của ông bị gián đoạn.
Như trong ngày 31/1, từ khuya đến trưa, điện cúp đến 4 lần. Trong tháng 1/2018 này điện cúp bao nhiêu lần ông không nhớ vì quá nhiều. Vợ ông, bà Phùng Thị Hoa – cho biết, điện cúp liên tục thì giá điện gia đình sử dụng hàng tháng cũng tăng lên.
Máy phát điện của ông Tám chuẩn bị dầu để đổ dự phòng cúp điện |
Bà Hoa cho hay, bình thường gia đình dùng mỗi tháng từ 800-900 ngàn đồng nhưng có tháng điện cúp nhiều thì tiền điện ở nhà tăng lên gấp đôi, do khi điện cúp và có lại thì máy móc khởi động lại gây tốn điện.
“Ở thị trấn Khâm Đức này có 10 gia đình thì 7 nhà có máy phát điện. Dân đã nhiều lần phản ánh mỗi khi tiếp xúc cử tri nhưng tình hình vẫn không cải thiện”, bà Hoa nói.
Ngoài ảnh hưởng đến đời sống của người dân, việc mất điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhà hàng khách sạn Lý Châu Giang là một trong những cơ sở kinh doanh tiêu thụ điện năng lớn nhất trên địa bàn. Nhiều thiết bị điện tại đây bị hư hỏng chỉ trong thời gian ngắn vì mất điện thường xuyên, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Ngoài điện bị cúp thường xuyên, điện áp dây cũng tăng cao khiến thiết bị điện bị hư hỏng |
Ông Lý Minh Tám - chủ nhà hàng khách sạn Lý Châu Giang bức xúc nói: “Từ năm 2017 đến nay điện chập chờn quá nhiều. Có lúc cúp mấy tiếng, có lúc cúp cả ngày. Máy giặt bị gãy trục khi đang giặt, máy móc, bóng đèn… bị hỏng khá nhiều”.
Ngoài điện bị cúp quá nhiều lần, điện áp cũng tăng gây hư hỏng nhiều thiết bị. Điện áp pha đang từ 380V tăng lên 420V, điện áp dây từ 220V tăng lên 230-240V. Như ngày 31/1, khi chúng tôi đang tiếp xúc với ông Tám thì điện lại bị cắt, máy phát điện dự phòng động cắt nhưng chỉ vài chục giây sau, điện lưới có lại, máy nổ tự động tắt. Khi đo thì điện áp pha tăng lên trên 400V.
“Thiệt hại cho doanh nghiệp rất nhiều, tiền đổ dầu chạy máy nổ, hư hỏng thiết bị... Ngành điện cho rằng bất khả kháng nên doanh nghiệp không thể kiện yêu cầu đền bù, hỗ trợ”, ông Tám bức xúc.
Theo Điện lực Hiệp Đức, đường dây 35kV đi xa và qua rừng keo, dân khai thác nên điện thường bị “nhảy” |
Ông Hoàng Mai, đại diện khách sạn Phước Minh ở thị trấn Khâm Đức cũng cho biết, thiết bị điện tử của khách sạn ông hư hỏng rất nhiều. Bên cạnh đó, khi điện bị cúp và có lại, đồng hồ công-tơ quay rất nhanh. Tháng nào điện cúp nhiều thì tiền điện cũng tăng lên do phải chạy máy nổ và các thiết bị khởi động lại.
Ông Mai cho hay, nhiều khách hàng của khách sạn ông phàn nàn việc “ăn đèn ngủ điện”, đến Phước Sơn thì được thưởng thức “đặc sản” cúp điện…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Quang Hường – Phó Chủ tịch huyện Phước Sơ, thừa nhận điện lưới ở đây thường xuyên bị cắt khiến cho việc sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp bị đảo lộn, bức xúc.
Ngay trong đầu giờ chiều ngày 31/1, khi làm việc với chúng tôi thì điện ở trụ sở Ủy ban huyện lại bị cúp và đây là lần cúp điện thứ 4 trong ngày. Ít chục giây sau, điện có trở lại. Ông Hường cho hay, sở dĩ điện trên địa bàn huyện Phước Sơn bị cúp nhiều là do dường dây 35kV kéo từ huyện Thăng Bình lên dài đến 70km, đi qua nhiều vùng núi, do ảnh hưởng cây cối… Đây là vấn đề khách quan.
Về lâu dài, ông Hường cho biết tỉnh đã có dự án hạ một trạm biến áp 110kV ở địa bàn huyện để cung ứng điện đầy đủ cho địa phương nhưng kinh phí hạ trạm quá lớn, không biết đến bao giờ thực hiện. “Vấn đề này cũng là vấn đề hết sức bức xúc của người dân, ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất của người dân và doanh nghiệp”, ông Hường nói.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Tưởng Tám – Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức kiêm Phước Sơn thừa nhận tình trạng điện chập chờn diễn ra lâu nay. Theo ông Tám, do đường dây 35kV kéo từ huyện Thăng Bình lên quá xa, đi qua núi rừng, keo trồng của người dân nên khi cây ngã do gió, người dân khai thác keo ảnh hưởng nên điện thường bị “nhảy”.
Trước mắt để khắc phục tình trạng này, ông Tám cho hay đơn vị thường xuyên cho công nhân đi kiểm tra, thay sứ. Hiện đã thay được 500 quả sứ, còn hơn 200 quả sẽ tiến hành thay tiếp. Bên cạnh đó, sắp tới đơn vị sẽ hoán chuyển một số máy cắt cho khu vực Khâm Đức.
Về vấn đề thiệt hại của người dân và doanh nghiệp, ông Tám cho hay chưa nắm được và ông hứa cho nhân viên đi kiểm tra và sẽ thông báo sau.
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí