Thế giới

Người dân Argentina dùng tiền để dán tường thay giấy vì lạm phát

Tiền mặt ở Argentina mất giá đến mức người dân có thể dùng nó để thay giấy dán tường để phủ lên ngôi nhà của mình hoặc đi mua ngay những món đồ cần thiết khi lĩnh lương để đề phòng giá trị của đồng tiền sẽ sụt giảm thêm.

Irina Werning cần phải mua pin mới cho chiếc đèn flash máy ảnh của cô vào ngày hôm trước. Đầu tiên, nhiếp ảnh gia đến từ Buenos Aires tìm đến siêu thị ở địa phương nhưng giá ở đây quá cao. Sau đó cô đã khảo giá từ cửa hàng văn phòng phẩm, siêu thị tiện lợi cho tới nơi bán dụng cụ và cả một siêu thị khác để có thể mua được món đồ có giá hợp lý nhất. Việc này theo cô giống như một cuộc thám hiểm trong bối cảnh giá cả ngày một leo thang tại quốc gia có tỷ lệ lạm phát dự đoán sẽ là 3 con số vào năm tới, biến quốc gia này thành đất nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

"Tôi đã quen với việc này. Lạm phát đã xuất hiện kể từ lúc tôi sinh ra, thậm chí xuất hiện cả trước khi cha tôi sinh ra. Đó là một phần của cuộc sống hàng ngày đối với chúng tôi. Tôi năm nay đã 46 tuổi và 36 năm trong đời, tôi phải sống trong cảnh lạm phát ở mức 2 con số, trung bình mỗi năm là 80%." Werning cho biết.

Argentina đang trải qua giai đoạn có mức lạm phát cao nhất trong suốt 30 năm qua, lý do được cho là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nguồn cung cấp lương thực toàn cầu bị hạn chế, giá cả nhiên liệu tăng và suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Không chỉ Argentina, làn sóng lạm phát còn tràn tới nhiều nơi trên thế giới. Tháng 7, lạm phát ở Anh đã tăng gấp đôi lên mức 10,1%, con số cao nhất trong suốt 40 năm qua, điều này đã tạo thêm áp lực cho nhiều gia đình đang phải chống chọi với những chi phí đang ngày càng tăng phi mã ở xứ sở sương mù.

Werning chụp ảnh chồng mình đang dán những tờ 10 peso lên tường bởi chúng còn có giá trị rẻ hơn cả tiền mua giấy dán. Ảnh: Guardian.


Khi phần còn lại của Thế giới đang tìm cách đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt thì nền kinh tế Argentina đang ngày càng chìm sâu xuống khủng hoảng. Đó là một thực tế mà người dân Argentina đã phải sống trong phần lớn trong nửa thế kỷ qua. Thậm chí Ngân hàng trung ương Argentina vẫn tiếp tục in tiền đề bù đắp những thâm hụt tài khóa vẫn không ngừng tăng trong khi số nợ hàng tỷ USD cho Quỹ tiền tệ Quốc Tế (IMF) vẫn không thể trả.

Werning hiện đang sống ở thủ đô cùng chồng và hai cô con gái. Cô đã từng theo học ngành kinh tế trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia.

“Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ phải sử dụng bằng cấp của mình, nhưng kể từ khi trở về Argentina từ Vương quốc Anh, tôi đã phải lấy nó ra hàng ngày.” cô nói.

Sara, một trong những người bạn của Werning, nói với cô: "Bất cứ khi nào thấy đồ giảm giá, tôi sẽ mua. Tôi có đủ dầu gội cho một năm rưỡi, miễn là đồ chưa hết hạn thì tôi sẽ tích trữ."

HIện Werning bắt đầu làm công việc là đi chụp những khoảnh khắc ghi lại cảnh người dân Argentina đang học cách sống chung với tình trạng tài chính không chắc chắn ra sao.

Cô muốn kể lại những câu chuyện về việc người dân sống trong điều kiện lạm phát như thế nào, chẳng hạn như người dân sẽ tích trữ các sản phẩm khi tìm thấy mức giá tốt hơn, luôn mang theo tiền mặt trong trường hợp tìm thấy đồ giảm giá cần mua ngay, hay việc đổi xe ô tô lấy xe máy.

“Giống như cách người Anh nói về thời tiết, chúng tôi nói về lạm phát mỗi ngày với bất cứ ai, kể cả bạn bè hay người nhà mỗi khi xếp hàng ở siêu thị. Đó là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.”, cô nói.

Năm 2001, một peso bằng 1 đô la. Vào tháng 7 năm 2022, bạn cần 335 peso để đổi 1 đô la.


Theo thống kê, cứ 10 người dân Argentina thì có tới 4 người sống ở mức dưới nghèo khổ, và trong thời kỳ đại dịch Covid-19, người ta tin rằng có tới 60% trẻ em Argentina sống trong cảnh nghèo đói.

"Những gì đang diễn ra là điều tồi tệ nhất đối với một xã hội. Những tầng lớp nghèo đói đang trở nên nghèo đói hơn trong khi những người giàu lại càng giàu hơn. Ai muốn sống trong một xã hội như thế ?" Werning tâm sự.

Argentina đang giao dịch gần như hoàn toàn bằng tiền mặt bởi chúng đang ngày càng mất giá. Có rất ít sự tin tưởng vào lãi suất ngân hàng khi người dân thà chất đống tiền dưới gầm giường hoặc két còn hơn là mang chúng vào ngân hàng để gửi. Đa số người dân sẽ tiêu hết số tiền lương càng nhanh càng tốt ngay khi họ nhận được.

"Có cảm giác như tiền sắp bốc cháy ở tay bạn. Thật kỳ lạ, rõ ràng bạn nghèo túng, nhưng khi có tiền lại phải tiêu luôn để bảo vệ bản thân trước đà lạm phát", Werning nói trên tờ Guardian.

Để bảo vệ tiền của mình, nhiều người giàu sẽ chọn cách đổi tiền lương sang đồng USD ngay sau khi được lĩnh hoặc bất kỳ loại ngoại tệ nào có giá trị hơn tờ peso. Hầu hết những giao dịch này đều diễn ra trên thị trường chợ đen, nơi chiếm đến 50% các phi vụ giao dịch toàn đất nước. Tỷ giá hối đoái do ngân hàng Argentina niêm yết là 147 peso đổi lấy 1 USD tuy nhiên con số này trên thị trường chợ đen là 290 peso mới "ăn" được 1 đô la Mỹ.

Tiền giấy ở Argnetina mất giá đến nỗi, trong một hình ảnh, chồng của Werning đang dán những tờ tiền 10 peso lên tường, vì những tờ tiền này thậm chí còn rẻ hơn là đi mua giấy dán. Thông qua bộ ảnh của mình, nhiếp ảnh gia Werning muốn gửi lời cảnh báo về "cách người dân cảm nhận trước lạm phát".

Tác giả: Bình Minh

Nguôn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: lạm phát , tiền , Argentina

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP