Kinh tế

Người đam mê nghề trồng nấm sạch

Với niềm đam mê, ham học hỏi và bằng ý chí dám nghĩ, dám làm, chị Bùi Thị Mai Hòa ở thôn Trà Lân xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm với số lượng lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014 chị Hòa trồng thử nghiệm 500 bịch nấm sò và 1.000 bịch nấm mọc nhĩ rất thành công


Đến thăm cơ sở sản xuất nấm của chị Bùi Thị Mai Hòa, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi mô hình trồng nấm được chị đầu tư rất quy mô, bài bản. Qua câu chuyện chị kể cho chúng tôi nghe, được biết vào thời điểm năm 2014, một lần tình cờ xem chương trình truyền hình, nhận thấy mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư lại ít, có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương, lại vừa đảm bảo môi trường, chị Hòa đã tham gia lớp đào tạo nghề do Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện tổ chức tại xã Hoa Sơn, lúc này người dân Anh Sơn còn rất ít người biết đến cây nấm và chị Hòa cũng là người đi tiên phong trong việc trồng nấm của huyện. Sau khi học xong, ban đầu chị thử nghiệm trồng nấm sò, sau 25 ngày trồng thì nấm bắt đầu thu hoạch, kết quả rất khả quan với 500 bịch nấm sò trồng thử nghiệm, mỗi ngày chị thu hoạch được 7-8 kg nấm, với giá bán 35.000 đồng/kg, mỗi ngày trừ chi phí chị cũng thu về được 200.000 đồng. Với hiệu quả mang lại như vậy, 2 tháng sau chị Hòa tiếp tục trồng thử 1.000 bịch nấm mộc nhĩ.

Nguyên liệu trồng nấm được chị chọn lựa kỹ càng, đảm bảo sạch và an toàn

Kỹ thuật trồng cũng không khó, nhưng phải chịu khó từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc


Sau 1 năm gắn bó với cây nấm, năm 2015 chị Hòa quyết định đầu tư xây lò hấp thanh trùng với số tiền 30 triệu đồng và xây nhà treo nấm 18 triệu đồng. Bình quân mỗi năm chị Hòa trồng 3 vụ nấm, riêng năm 2015, gia đình chị thu hoạch bán được 2 tạ mộc nhĩ tươi, 3,5 tạ mộc nhĩ phơi khô và 5 tạ nấm sò. Mức giá phổ biến hiện nay mộc nhĩ tươi 25.000- 30.000 đồng/kg, khô 90.000 đồng và nấm sò 35.000 đồng. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận gia đình chị thu được khoảng 50- 60 triệu đồng. Hiện tại, xưởng nấm của gia đình chị Hòa có 3.000 bịch mộc nhĩ, 1.500 bịch nấm sò và 500 bịch nấm linh chi gần cho thu hoạch. Sản phẩm nấm của gia đình chị sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ cung cấp cho thị trường huyện Anh Sơn mà còn cung cấp cả thị trường thành phố Vinh và Hà Nội.

Năm 2015 gia đình chị Hòa thu hoạch bán được 2 tạ mộc nhĩ tươi, 3,5 tạ mộc nhĩ phơi khô và 5 tạ nấm sò

Sản phẩm nấm của gia đình chị sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ cung cấp cho thị trường huyện Anh Sơn mà còn cung cấp cả thị trường thành phố Vinh và Hà Nội


Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, Chị Hòa cho biết: Để trồng nấm thành công đầu tiên nguyên liệu phải được đảm bảo sạch, mùn cưa trước khi sử dụng phải được phơi khô, sàng lọc. Khâu tiếp theo là trộn mùn cưa với vôi bột, lân, Urê ủ đống từ 20 ngày đến 1 tháng. Mùn cưa sau khi ủ xong sẽ được trộn với bột ngô hoặc cám gạo và đường tạo đủ độ ẩm để đóng bịch đưa vào hấp ở nhiệt độ 100- 102 độ C, sau đó đưa ra để nguội rồi cấy giống. Sau khi cấy nấm, túi ni lông phải được cột chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Khoảng một hay hai ngày sợi nấm sẽ mọc lan ra trong mỗi bịch. Thời điểm bịch nấm trắng toát như bông, dùng dao lam rạch 3- 4 đường ở xung quanh bịch, mỗi vết rạch có độ dài từ 3- 4cm. Từ những đường rạch này, vài ngày sau, nấm sẽ mọc ra. Khi nấm ra được 2- 3 cm là đã có thể thu hoạch, sau đó lại tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm cho đợt thu hoạch tiếp theo. Kỹ thuật trồng nấm không quá phức tạp nhưng phải tuân thủ đúng quy trình, cần được theo dõi thường xuyên, đảm bảo vệ sinh.

Sản phẩm nấm linh chi được chị Hòa thử nghiệm trồng

Nấm sò cho thu hoạch liên tục trong 6 tháng, đây là loại nấm có rất nhiều giá trị dinh dưỡng


Nói về nghề trồng nấm, chị Hòa chia sẻ: Tôi xác định làm nấm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trồng nấm là một nghề không đòi hỏi vốn lớn, nguyên liệu sẵn có của địa phương như mùn cưa và nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, kỹ thuật trồng cũng không khó, nhưng phải chịu khó từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Nấm là loại rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu vì vậy nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa phải bảo đảm sạch và an toàn. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng nhà xưởng để trồng thêm nhiều loại nấm khác.

Tác giả bài viết: Thái Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP