Tai ương
Ngày 22/10, nước lũ bắt đầu rút tại nhiều vùng thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tại các vùng như TP.Đồng Hới, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) người dân đã có thể đi lại, mua sắm lương thực, dọn dẹp nhà cửa.
Trong khi đó, các vùng trũng ngập sâu như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) hay huyện Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) mực nước có rút nhưng vẫn chưa đáng kể.
Người dân các khu vực này vẫn đang trong chờ vào hàng hóa cứu trợ từ chính quyền địa phương, nhà hảo tâm.
Nước đã bắt đầu rút, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vùng đang bị cô lập ở huyện thị thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. |
Cơn đại hồng thủy nhấn chìm miền Trung đã để lại hậu quả nặng nề.
Theo thống kê ban đầu đến hết ngày 21/10 của ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đã có hơn 105.300 nhà đang bị ngập do mưa lũ.
Trong đó nặng nhất vẫn là 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Thiên tai cũng khiến 7 người tử vong.
Tại Hà Tĩnh, mưa lũ làm 5 người chết, hơn 26.000 hộ dân bị ngập lụt, nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, 43.283 người dân đang phải sơ tán tránh lũ.
Tài sản của người dân, lợn, gà, hàng nghìn diện tích hoa màu đã bị trôi theo dòng nước lũ.
Hướng về rốn lũ
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, trong ngày 21/10, hàng hóa cứu trợ từ nhiều tỉnh thành đã tập kết về vùng lũ Quảng Bình.
Đặc biệt, một lượng lớn đến từ TP.Đà Nẵng - nơi vừa gượng dậy sau đại dịch Covid-19 "tàn phá" lần 2 vào tháng 8 - 9/2020. Chính vì vậy, việc các nhà hảo tâm, các nguồn cứu trợ, lượng hàng hóa đến từ Đà Nẵng nhận được sự chú ý, trân quý của nhiều người.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, mới đây, trong phiên trù bị Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng, địa phương đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tổng cộng các đại biểu đóng góp ủng hộ với số tiền là hơn 143 triệu đồng.
Người dân Quảng Bình vẫn đang rất cần nguồn cứu trợ từ chính quyền và các nhà hảo tâm. |
Chưa hết, chính quyền TP.Đà Nẵng cũng trích 6 tỷ đồng ủng hộ cho 3 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh.
Không chỉ chính quyền, người dân thành phố bên sông Hàn cũng làm hết sức hướng về người dân rốn lũ. Các đêm nhạc gây quỹ từ thiện do nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng được tổ chức.
Đặc biệt hơn, theo ghi nhận của PV, từ ngày 20 - 21/10, có hàng trăm đoàn từ thiện xuất phát từ Đà Nẵng ra Quảng Bình, Quảng Trị mang theo hàng tấn gạo, mì tôm, áo quần...
Trong ngày 22/10, văn phòng Người Đưa Tin Pháp luật tại TP.Đà Nẵng cũng tiếp nhận 10 triệu đồng từ phòng khám Đa khoa miền Trung, công ty An Dương, công ty Bếp Việt... trao gửi đến người dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhì huyện Quảng Ninh trong đợt mưa lũ.
Nhiều lực lượng thuyền máy, ca no, xuồng được huy động từ Đà Nẵng, Hà Nội ... vào rốn lũ. Chính các phương tiện cơ động này đã mang nhu yếu phẩm đến kịp thời cho người dân cũng như thực hiện công tác sơ tán, cứu hộ, cứu nạn hiệu quả. |
Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã nhanh chóng tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm kịp thời đến người dân vùng trọng điểm ngập lụt.
UBND tỉnh Quảng Bình đã trao cho huyện Lệ Thủy 1,5 tấn lương khô, 6.000 thùng mì tôm, 400 thùng sữa, 800 thùng nước uống; trao cho huyện Quảng Ninh: 1,2 tấn lương khô, 5.000 thùng mì tôm, 600 thùng sữa, 600 thùng nước.
Số hàng hóa nhằm kịp thời cứu giúp người dân vùng ngập lụt.
"Quảng Bình đang tiếp tục triển khai triệt để các phương án ứng phó trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ”.
Tập trung chỉ đạo tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm đến người dân vùng trọng điểm ngập lụt một cách nhanh nhất, hợp lý nhất, không để một người dân nào bị đói và rét. Xem xét tất cả các yếu tố thời tiết, địa hình để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi làm nhiệm vụ", ông Thuật thông tin.
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn