Quê gốc ở Thanh Hóa, năm 18 tuổi, ông thi đỗ trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đúng lúc này cách mạng ra lời kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ kháng chiến.
Gác lại việc học, chàng thanh niên Đỗ Ngọc Xướng tòng quân chiến đấu hơn 18 năm tại chiến trường miền Nam, miền Trung và nước bạn Campuchia.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông đi học tiếp rồi giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 1988, ông nghỉ hưu và trở về tham gia công tác tại địa phương.
Về thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) định cư, ông Xướng không nghỉ ngơi mà bắt đầu tìm kiếm thông tin về liệt sĩ hy sinh được chôn cất trên địa bàn.
Với tư cách là người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, là Chủ tịch Hội CCB thị trấn Hà Lam và sau là Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình, ông luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác hỗ trợ và giúp đỡ thân nhân sớm tìm hài cốt liệt sĩ.
Nhận thấy các gia đình liệt sĩ không hiểu được tình hình chiến trường xưa và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ, ông Xướng phối hợp với phòng chính sách các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình… nắm danh sách các liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang để thông tin đến thân nhân.
Ngoài ra, để có thể giúp đỡ cho thân nhân còn đang mập mờ trong việc xác định thông tin ban đầu (tên liệt sĩ, quê quán, đơn vị công tác, cấp bậc, ngày hy sinh, nguyên nhân hy sinh), ông Xướng lại tìm cách liên lạc với đồng đội ở phía Bắc để mượn chiếc đĩa CD lưu trữ thông tin ban đầu của toàn bộ hơn 28.700 liệt sĩ hy sinh trên khắp chiến trường.
Ông cũng đã cung cấp danh sách liệt sĩ đến các tỉnh thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 và tích cực phối hợp cùng ban liên lạc CCB nhiều tỉnh thành trên cả nước để thông báo cho gia đình liệt sĩ biết.
Hơn cả trách nhiệm, đó là tâm huyết của người CCB dành cho đồng đội đã ngã xuống. Từ những cuộc điện thoại gọi đến của người thân các gia đình liệt sĩ nhờ xác minh thông tin ban đầu, ông sẵn sàng đồng hành với họ trong việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt tại các xã, thị trấn thuộc huyện Thăng Bình.
CCB Đỗ Ngọc Xướng nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng vào tháng 1/2017. |
“Để tìm kiếm được nơi chôn cất liệt sĩ cũng khá khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có lòng kiên trì, nhẫn nại bởi có rất nhiều trường hợp sai họ tên, tên lót, quê quán… Thêm vào đó, bây giờ nhiều địa danh đã thay đổi nên chỉ những người tham gia chiến đấu hay những người bám trụ ở đó mới có thể xác định được các liệt sĩ được chôn cất ở đâu”, ông Xướng thông tin.
Những trường hợp có tên, có phần mộ trong và ngoài nghĩa trang đã khó tìm, những phần một vô danh lại càng khó khăn hơn. Nhưng nhiều năm qua ông vẫn không ngại khó khăn, gian khổ tận tình giúp đỡ, hướng dẫn thân nhân ở nhiều tỉnh phía Bắc, Nam… khi đến Thăng Bình tìm hài cốt liệt sĩ.
Đối với những trường hợp gia đình khó khăn, ông và một số cán bộ khác lại mời họ về nhà lo ăn ở và cả chi phí đi lại nếu cần.
“Nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng họ vẫn lặn lội hàng ngàn cây số vào đây để tìm cho bằng được hài cốt người thân. Nếu nhanh thì khoảng 4-5 ngày, lâu cũng phải mất nửa tháng họ mới tìm thấy nên vợ chồng tôi cùng một số anh em đồng đội cũ luôn cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho họ về nơi ăn ở, chi phí đi lại”, ông Xướng cho biết.
Trong hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, với ông Xướng đáng nhớ nhất có lẽ là trường hợp của gia đình liệt sĩ quê tại Bắc Kạn. Khi đó, cô con gái của liệt sĩ lặn lội đến Thăng Bình nhờ ông giúp đỡ tìm cha là Bộ đội phòng không hy sinh năm 1967 tại Bình Phú (Thăng Bình). Nhưng khi tới nơi, số tiền mang theo cũng hết do hoàn cảnh hết sức khó khăn, để thực hiện lời hứa với mẹ nên cô mới cố gắng lặn lội vào tận đây để tìm.
Đồng cảm với hoàn cảnh gia đình, ông Xướng cùng đồng đội giúp đỡ cô tận tình, ông đón cô về nhà mình lo ăn ở đầy đủ, chở cô đến tận Bình Phú nơi cha cô hy sinh để tìm kiếm.
Trong khi cất bốc hài cốt liệt sĩ thì trời mưa, không nản lòng ông dùng áo mưa che chắn cho những người cất bốc. Sau khi hoàn thành thủ tục, ông và mọi người lại làm đơn xin hỗ trợ từ huyện để có kinh phí đưa cô và liệt sĩ về quê.
Ông Xướng chia sẻ: “Nhận được cuộc gọi có số lạ hỏi thăm tin tức là tôi nghĩ chắc chắn có thêm công việc, chuyến đi. Nhiều gia đình khó khăn ở các tỉnh phía Bắc không quản đường xá xa xôi vào trong đây tìm kiếm, lúc đó tôi chỉ mong có tin tức thật nhanh, thật chuẩn xác tìm được hài cốt liệt sĩ để an ủi người nơi chín suối và vơi bớt nỗi đau gia đình”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình) cho biết: “Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Xướng là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về hình ảnh người lính cụ Hồ trong thời bình. Hơn 20 năm qua ông đã giúp bao người tìm được thân nhân, giúp bao liệt sĩ được trở về quê cha đất tổ. Không quản khó khăn, gian khổ, đó là tấm gương lớn cho thế hệ mai sau noi theo”.
Tác giả: N.Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí