Kinh tế

Ngược rẻo cao “săn” hàng tết

Khi cuộc sống ngày càng đủ đầy thì vào dịp tết nhiều người càng có điều kiện ăn ngon, mặc đẹp, đặc biệt là ăn sạch. Vào dịp cuối năm, nhiều người đã ngược lên miền rẻo cao của Nghệ An để “săn” các sản vật đưa về ăn tết, chơi tết. Những năm gần đây, xu hướng này dường như đã thành “thông lệ” đối với nhiều người dưới xuôi. Và nhờ đó sinh lợi đôi đường. Người cần thì có hàng độc, lạ ăn chơi tết, còn đồng bào miền rẻo cao lại có đồng ra đồng vào lo tết cho mình…

Đặc sản bình dân đến đắt đỏ
Một điểm bán hàng đặc sản của đồng bào tại xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An)

Thời gian càng gần tết, anh Nguyễn Cảnh Thắng (ở đường Đinh Công Tráng, TP Vinh) càng tất bật ngược xuôi. Cứ độ 2-3 ngày anh lại có một chuyến ngược rừng lấy hàng tết. Nhờ những người bạn bản địa ở huyện miền núi Quế Phong anh đã có được những món hàng bình dân nhưng khá lạ và được nhiều người thích. Ví như bầu rợ Lào (bầu đỏ). Anh nhờ bạn qua cửa khẩu Thông Thụ sang Lào mua bầu rợ đem về Thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong), sau đó anh lên lấy lại với giá 15.000 đồng/kg. Từ khi cửa khẩu Thông Thụ được lưu thông thì món bầu rợ Lào bắt đầu được nhiều người biết đến, đặc biệt là các bà các cô nội trợ. Có được bầu rợ Lào nấu chè ăn trong dịp tết thì không gì bằng. Ngoài bầu rợ thì khoai sọ của đồng bào dân tộc trồng cũng là một đặc sản đối với người dưới xuôi. Vào dịp cuối năm, giá khoai sọ đã được nâng lên từ 17.000 lên 20.000 đồng/kg. Một món hàng khá bình dân nhưng cũng hiếm trong dịp này đó là sâm đất. Một số người như anh Thắng đã lần tìm lên huyện Quỳ Hợp đặt hàng người dân đi đào. Giá sâm đất khá rẻ, chỉ có 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng nếu kiếm được sâm đất đem về xuôi làm quà biếu lại thành của quí. Sâm đất dùng để ngâm rượu uống rất thơm, ngon, chữa được bệnh về xương khớp.

Và một món đặc biệt, rất đắt của vùng miền núi Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương,… của Nghệ An, nhưng vẫn được nhiều người lùng mua để dùng trong dịp tết. Đó là thịt bò giàng. Hiện nay, giá bò giàng từ 700.000 đến 900.000 đồng/kg tùy loại. Theo tiếng Thái “bò giàng” hiểu nôm na là thịt bò được gác trên bếp củi.

Ông Lang Đình Hồng ở xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) cho biết, để làm món bò giàng thì yêu cầu đầu tiên là phải chọn loại bò bản địa, bò “chạy rừng”, thịt có thớ săn chắc và phải tươi. Sau khi cắt thành từng miếng dài khoảng 20cm, rộng 5cm thì cho thịt vào nồi to ướp với các loại gia vị gồm: gừng, tỏi, ớt cay rừng và muối. Ướp khoảng 30 phút thì lấy thịt ra xâu vào que tre và gác lên phía trên bếp củi. Bếp này luôn phải đỏ lửa để giữ được nguyên hương vị của thịt. Sau 30 ngày trở đi, khi miếng thịt bò đã “ám khói”, bên ngoài có màu nâu thẫm nhưng xé bên trong thớ thịt đỏ nhạt thì bò giàng đã đạt yêu cầu. Khi ăn bò giàng, người miền núi thường nướng từng miếng thịt trên bếp than hồng. Nướng cho nóng, đập miếng thịt tơi ra và xé từng thớ thịt chấm với muối ớt rừng hoặc muối dầm quả mặc khẻn (một loại tiêu rừng bản địa).

Phong phú các loại thổ sản lạ, ngon

Trong dịp cuối năm này, nếu lên thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) thì sẽ ngây ngất với hương trầm. Đây chính là mùa làm hương trầm của người dân nơi đây. Hương trầm Quỳ Châu giờ đây không còn làm để bán trong huyện mà đã được đưa xuống TP Vinh để bán. Ở Quỳ Châu, nhiều người cũng sẽ tìm đến xã Châu Tiến đặt mua thịt heo muối chua - một món ăn đặc sản của đồng bào người Thái nơi đây. Ở đây, ai có nhu cầu cũng sẽ đặt người Thái làm cơm lam và đặc biệt là món dưa cải muối trong ống nứa có vị ngon lạ hiếm nơi có. Gạo nếp đen, gạo tẻ Mông, gạo tẻ Lào là những thứ gạo được nhiều người săn đón, tìm mua. Các món hàng “lặt vặt” nhưng hiếm, như: nấm ngọc cẩu (50.000 đồng/yến), măng vòi của tre rừng (15.000 đồng/bó), cá pá dưn (một loại cá suối), hoa gừng, sáp ong,… thậm chí cả sóc rừng săn bắt được cũng được người dân đem ra bán. Món hàng miến dong được chế biến từ cây dong riềng trồng trên sườn núi Phu Xai Lai Leng ở Kỳ Sơn cũng đang được nhiều người tìm đến. Và một sản vật của miền Tây xứ Nghệ luôn được những người sành ăn và đam mê ẩm thực săn tìm, là cá lăng. Cá lăng ở sông Nậm Nơn và Nậm Mộ ngon nổi tiếng. Giá cả luôn không dưới 200.000 đồng/kg nhưng phải quen biết, nhờ dẫn mối đến những người chuyên đi đánh cá lăng mới có được.

Những gia đình hoặc cơ quan cuối năm tổ chức một bữa tiệc cũng đã tìm lên các vùng như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông mua “lợn nít”. Đây là một giống heo bản địa của đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An. Giống heo này được nuôi thả rông trong vườn rừng, mỗi con trọng lượng chỉ nặng từ 15kg đến tầm 35kg. Giá loại heo này hiện nay dao động từ 100.0000 -120.000 đồng/kg, còn giá heo rừng nuôi có giá 180.000 đồng/kg thịt hơi. Tại những vùng này, nhiều người cũng lùng mua gà đen, hiện đang có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg. Có người còn lên vùng Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) mua ngọn xu le (xu xu) và đặc biệt là lùng mua “độc sản” của vùng rẻo cao mù sương này, đó là cải ngồng Mông. Mỗi bó cải ngồng Mông được đồng bào bán chỉ 5.000 đồng/bó, nhưng nếu không gặp dịp hoặc có người quen giới thiệu thì không thể mua. Năm nay thời tiết nóng, nhiều vườn đào ở miền xuôi đã nở bung. Vì thế những người chơi đào đã lang thang lên miền rẻo cao Kỳ Sơn đặt mối để mua đào Mông, đào đá, có người sang tận Lào để tìm mua đào về chơi tết.

Tác giả bài viết: Duy Cường
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP