Một góc thôn Đề Lía, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn. Ảnh: Bàn Minh Đoàn |
Chúng tôi lên Đồng Văn chuyến này, tiết trời không được thuận lợi. 7 giờ 30 phút một ngày tháng 3 âm lịch, chúng tôi rời thành phố Hà Giang, lên tới lưng chừng dốc Pắc Sum, sương mù phủ kín núi rừng, lái xe phải bật đèn vàng, đi chậm lại. Ngồi trên xe lắc lư, bồng bềnh, ai cũng muốn được ngắm cảnh, nhưng phía trước chỉ có sương mù đặc quánh. Vượt Cổng trời Quản Bạ, càng lên cao, sương mù càng dày đặc. “Bồng bềnh” tới hơn 1 giờ đồng hồ bò dốc, xe chúng tôi cũng vượt qua Cổng trời Quản Bạ rồi xuống đến chân dốc Núi Đôi.
Giới nghệ sĩ vẫn bông đùa Hà Giang đệ nhất cảnh quan là cặp nhũ đôi tròn trịa kiêu kỳ trên núi cao này đây. Vì thế, các phóng viên xuống xe chụp ảnh lia lịa. Tiếp tục hành trình đến dốc Cán Tỷ, xe leo đến lưng chừng dốc thì sương mù lại giăng phủ dày đặc đường núi, chẳng nhìn thấy gì, cách 5m chỉ thấy lờ mờ, lái xe căng mắt cầm lái. Phải chăng đặc sản đầu tiên Hà Giang đãi khách đường xa là sương dày như vậy?
Khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi đặt chân đến phố cổ Đồng Văn. Chúng tôi vào thôn Đề Lía, xã Tả Lủng, háo hức tiếp cận với đời sống đồng bào. Thôn có 34 hộ người Mông. Họ ở quây quần bên nhau, nhà lợp toàn phi-brô xi măng, tường xây bằng gạch blốc, xung quanh xếp rào bằng đá, rất chắc chắn. Chúng tôi chụp một số ảnh, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào. Nhà nào cũng tự trồng cây lanh dệt vải, tự làm đồ mộc xây dựng nhà ở cho gia đình mình.
Anh Vàng Cha Dếnh, năm nay ở tuổi 35, người nhỏ bé, tiếp chuyện chúng tôi trong lúc anh đang đóng bộ giường đôi để cưới vợ cho con trai. Anh nói: “Thôn còn khó khăn lắm! Lúc giáp hạt thiếu ăn cả tháng đấy. Anh nhìn xem, nhìn ra cửa chỉ thấy đá là đá, gùi được đất ở dưới kia lên thả vào đá rồi mới thả hạt ngô xuống cho nó mọc lên. Cây lanh cũng thế, trồng xung quanh nhà, cứ chỗ nào mang đất về thả xuống kẽ đá là trồng được”.
Thấy trong nhà có khung cửi, tôi đề nghị chị Vừ Thị Dếnh dệt vải cho chúng tôi xem. Chị thoăn thoắt thao tác rất điêu luyện. Tay chân phối hợp nhịp nhàng, chỉ trong giây lát đã dệt được vải dài ra cả gang tay. Chị bảo, dệt nhiều đem ra chợ, người ta mua gom rồi bán sang Trung Quốc. Cứ mỗi 10m bán được 200 nghìn đồng, cũng có chút thu nhập mua mắm muối, gạo chống đói trong lúc giáp hạt.
Chị nói tiếng phổ thông rất ít, phải nhờ anh Dếnh - chồng chị dịch hộ. Một tốp học sinh trong làng thấy chúng tôi thì quây quần lại. Hỏi chuyện, em nói học lớp 3, em học lớp 2, lớp 4, nhưng em nào cũng chân trần. Anh chị Dếnh bảo, các con cháu đến tuổi được đi học ở ngoài xã cách đấy 4km, mùa đông cũng như mùa hè, toàn đi chân đất...
Đồng Văn có Lũng Cú được gọi là “đỉnh đầu của Tổ quốc”. Người ta nói rằng, nếu đến Đồng Văn mà chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn. Bởi Lũng Cú là "thượng cùng của đất Việt”, nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Chúng tôi được lên ngọn cờ Lũng Cú, ngước nhìn lá cờ bay trên lưng trời cao vút. Chúng tôi hào hứng trèo lên tận đỉnh cột cờ theo hướng dẫn của các đồng chí BĐBP và được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ ngút ngàn, trùng trùng điệp điệp, những dãy núi đá tai mèo ôm lấy bản làng, ôm lấy đời sống đồng bào các dân tộc; ôm lấy lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Thế là tôi cũng đã đến được địa đầu của Tổ quốc. Biết vầng trán thiên nhiên của Việt Nam hùng vĩ!
Ðồng Văn nổi tiếng về trái ngon: Đào, mận, lê, táo, hồng; cây dược liệu quý như tam thất, thục địa, hồi, quế; một số đặc sản chỉ ở Đồng Văn mới có như bánh hạt dền, bánh hoa tam giác mạch, ớt gió, thảo quả, hoa hồi thơm ngon... Ðồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh núi non, hang động, rừng hoa đủ sắc màu. Cuối xuân, đến với Đồng Văn còn được chiêm ngưỡng hoa lê nở trắng ngần, hoa đào cuối vụ khoe sắc tím rực cả triền núi đá tai mèo; đặc biệt, những loài hoa rừng thi nhau nở rộ trắng, vàng, đỏ, thơm ngát.
Ðến với Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm của bạn, bởi đèo cao vực thẳm, nhiều khi phải đi bộ. Nhưng đổi lại, bạn được chiêm ngưỡng những giây phút, những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng kèn môi, kèn lá, khèn Mông rung rinh bên chỏm triền núi mờ sương, tiếng páo dung, tiếng sáo của dân tộc Dao véo von bên sườn núi đá tai mèo gọi bạn tình. Nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ, lưu luyến mãi khi phải rời chốn này.
Tác giả: Bàn Minh Đoàn
Nguồn tin: Báo Biên phòng