Di tích thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, 2 di tích này là điển hình cho tình trạng xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay. |
Từ những năm 1980, dù được công nhận là cấp quốc gia, nhưng Ngũ Hành Sơn vẫn bị xâm hại nghiêm trọng. Trong thời gian dài, di tích này đã bị xâm hại và đối diện với nhiều nguy cơ do việc khai thác, sản xuất của làng nghề đá Non Nước. Những hàng quán, xưởng mỹ nghệ mọc lên san sát, thiếu quy hoạch xâm phạm sâu vào vùng di tích khiến cảnh quan nơi đây trở nên nhốn nháo, biến dạng. Hay việc phục dựng hai trụ cửa điêu khắc Chăm bằng sa thạch trên đường lên chùa Tam Thai vào năm 2015 làm mất yếu tố gốc của di tích. Đặc biệt, tại đây đã đầu tư xây dựng hẳn một thang máy ngay cạnh ngọn núi Thủy Sơn phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn có của di tích.
Với việc công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã có “lá chắn”để tránh khỏi những xâm hại tiềm tàng. Mới đây, có một đối tác nước ngoài muốn đầu tư công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn điều này dấy lên nhiều lo ngại cho ngành văn hóa bởi với việc tạo ra sản phẩm du lịch di tích này phải đối diện với nguy cơ tiếp tục bị xâm hại nặng nề.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng cho hay: cứu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn trước nguy cơ tiếp tục xâm hại, ngành văn hóa TP đã phải tức tốc lập hồ sơ đề nghị sớm công nhận Ngũ Hành Sơn là Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt. Trước đây TP có chủ trương xây dựng Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, nên khi Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt thì tất cả phải dừng lại để làm quy hoạch chung. Nhất quyết không thể làm riêng, tách rời công viên văn hóa ra khỏi di tích đặc biệt này.
“Trước hết phải quy hoạch quản lý di tích. Khi có quy hoạch quản lý di tích được Thủ tướng phê duyệt, mới triển khai dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn”, ông Hùng nói.
Thành Điện Hải một thời gian dài bị xâm hại nghiêm trọng. Ngay tại vị trí trung tâm thành, Bảo tàng TP đã được xây dựng đè lên những nền móng của thành xưa. Xung quanh 80 hộ dân và những công trình cao tầng liên tiếp mọc lên. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng gọi đây là những “bóng đè” lên thành Điện Hải. Trong số những “bóng đè”, hiện hữu sừng sững là tòa nhà Trung tâm hành chính (đường Trần Phú) mọc lên trong phạm vi vùng đệm bảo vệ di tích hay Công viên phần mềm trên đường Quang Trung.
Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết: Từ nhiều năm trước, để sửa những sai lầm xung quanh câu chuyện thành Điện Hải, ngành văn hóa đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại giá trị di tích Thành Điện Hải và khẩn trương có những giải pháp. Năm 2017, lãnh đạo TP đã có hai động thái sửa sai, đó là quyết định không xây dựng Trung tâm lưu trữ ở sát tường thành phía Bắc ngay ở “phút 89”, và quyết định di dời 80 hộ dân để trả lại khu vực phía Tây thành. Đồng thời đề nghị nên bỏ ý tưởng xây bãi đỗ xe ngầm ở ngay mặt bằng mà trước đây dự kiến xây dựng Trung tâm lưu trữ. TP có thể tiếp tục sửa sai bằng động thái mở lại cổng thành phía Nam, là cổng chính vào thành trước đây, để có thêm một lối vào cho du khách tham quan từ phía đường Quang Trung.
Sau khi thành Điện Hải được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (cuối 2018) cùng với việc triển khai dự án phục hồi, tôn tạo, tu bổ di tích (giai đoạn 1), TP có nhiều nỗ lực khai quật khảo cổ học, thi công chống thấm nước đoạn hào thành… Hiện nay, TP đang khẩn trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu di tích quốc gia đặc biệt này để ngăn công trình xâm hại thô bạo đến di tích. Điểm đến của Bảo tàng Đà Nẵng là tòa nhà số 42 đường Bạch Đằng - một công trình kiến trúc Pháp cổ độc đáo của TP Đà Nẵng, từng là tòa thị chính Đà Nẵng từ thời Pháp thuộc và trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (sau năm 1975), nay là trụ sở của HĐND TP Đà Nẵng. |
Tác giả: NGUYỄN THÀNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong