Bè mảng của ngư dân Trương Văn Lựu cập bến với hơn 200kg cá bạc má đánh bắt được. |
Phấn khởi vì được mùa
Hơn 11h trưa, chiếc bè mảng công suất hàng chục CV của ngư dân Trương Văn Lựu (50 tuổi) cập bến tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), sau 10 giờ lênh đênh trên biển.
Dưới trời nắng như đổ lửa, khuôn mặt người đàn ông hơn nửa đời người bám biển đẫm mồ hôi, bộ quần áo trên người cũng ướt sũng.
Chưa kịp nghỉ ngơi sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, anh Lựu vội xắn tay áo gỡ những con cá bạc má còn mắc trong lưới để kịp bán cho thương lái.
Khuôn mặt sạm đen vì nắng, anh Lựu nhoẻn miệng cười, nói: “Chuyến ra khơi này, 2 anh em chúng tôi đánh bắt được hơn 2 tạ cá bạc má. Trừ mọi chi phí, lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng”.
Theo anh Lựu, mùa cá bạc má ở Thanh Hóa thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 8 (Âm lịch) hàng năm. Vào chính vụ khai thác, có ngày ngư dân đánh bắt được cả tấn cá sau mỗi chuyến ra khơi.
Anh Lựu cho biết, bè mảng của gia đình anh ra khơi từ lúc 1h sáng. Để đánh bắt được loài cá này, ngư dân vùng biển xứ Thanh thường ra khơi vào ngày biển lặng. Khu vực khai thác thường cách bờ tầm 10 đến 20 hải lý, với phương tiện chủ yếu gồm máy dò và lưới đánh bắt chuyên dụng.
“Sau khi phát hiện ra luồng cá nhờ máy dò, chúng tôi sẽ quăng lưới rồi kéo lên bè. Mùa này cá rất thơm và béo, loại lớn chỉ từ 5 - 6 con/kg”, anh Lựu hồ hởi nói.
Sau gần 10 giờ ra khơi, bè mảng của ngư dân Trương Văn Sơn (37 tuổi, ở xã Quảng Hải), cũng cập bến với đầy cá tươi.
Chuyến ra khơi hôm nay, bè của anh Sơn đánh bắt được hơn 100kg cá bạc má. Tuy không trúng đậm như 4 - 5 ngày trước, nhưng anh Sơn tính sơ cũng lời ít nhất vài triệu đồng.
“Khoảng 5 hôm trước, bè của tôi đánh được khoảng 6 tạ cá bạc má. Nghề biển vất vả nên khi được mùa, anh em ai cũng phấn khởi. Ngoài đánh bắt cá bạc má, chúng tôi cũng tranh thủ đánh bắt cả ruốc biển để cải thiện kinh tế gia đình”, anh Sơn tâm sự.
Tương tự, bè mảng của anh Viên Đình Dinh (xã Quảng Hải) hôm nay cũng đánh được hơn 100kg cá bạc má.
Theo người đàn ông này, năm nay nhiều bè mảng của ngư dân xã Quảng Hải trúng mùa cá sớm, có bè đánh được nửa tấn mỗi chuyến ra khơi. Trung bình, với hơn 100kg cá sau khi trừ chi phí, mỗi bè lãi ít nhất vài triệu đồng.
Phút nghỉ ngơi của ngư dân Trương Văn Sơn sau gần 10 giờ lênh đênh trên sóng nước. |
Vào chính vụ, cá bạc má thường to và béo, trung bình từ 5 - 6 con/kg. |
Giá trị kinh tế cao
Từ 10h sáng, tại bờ biển các xã Quảng Đại, Quảng Hải... (huyện Quảng Xương) đã tấp nập tiếng cười nói.
Hàng chục thương lái đã chực sẵn tại bờ biển đợi thu mua cá bạc má, với giá thu mua dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Những con cá tươi xanh sẽ được thương lái đóng thùng và chở đi nhập cho các chợ đầu mối, một phần sẽ bán lẻ tại các chợ trên địa bàn.
Thu mua gần 100kg cá bạc má với giá mua tận bến là 40.000 đồng/kg, ông Nguyễn Văn Huấn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, vào mùa đánh bắt cá bạc má, mỗi ngày ông Huấn thu mua cả tạ cá. Sau khi đóng thùng cẩn thận, ông Huấn chỉ chở đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa...
“Trung bình, mỗi kg cá bạc má, chúng tôi thường bán lẻ tại các chợ với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, tùy từng hôm”, người đàn ông này nói.
Ông Nguyễn Văn Dạn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên mùa đánh bắt cá bạc má cũng đến sớm so với mọi năm.
Hiện, trung bình mỗi bè mảng đánh bắt từ 100 - 300kg cá sau mỗi chuyến ra khơi, có hôm trúng đậm từ 300 - 400kg cá.
Theo ông Dạn, trên địa bàn toàn xã hiện có khoảng 116 bè mảng đánh bắt thủy hải sản gần bờ, trong số này có khoảng 80 bè mảng chuyên khai thác đánh bắt cá bạc má. Công suất mỗi bè mảng trung bình từ 24 CV đến trên 30 CV.
“Hiện toàn xã Quảng Hải có khoảng 250 - 300 lao động trực tiếp tham gia vào việc đánh bắt.
Nghề đánh bắt thủy hải sản góp phần giải quyết việc làm cho từ 300 - 500 lao động tại địa phương.
Nhờ mùa đánh bắt cá bạc má, đời sống của bà con ngư dân trong xã cũng được cải thiện nhiều”, ông Dạn thông tin thêm.
“Cá bạc má thuộc họ cá thu ngừ, chúng thường sinh sống ở những vùng biển ấm áp dọc bờ biển. Tại Việt Nam, cá bạc má thường xuất hiện nhiều ở vùng biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Thanh Hóa... Loài cá này thường sinh sống theo bầy đàn, với số lượng rất đông, nguồn thức ăn chủ yếu là các loài giáp xác, cá hoặc tôm nhỏ. Cá bạc má có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng protein, canxi và omega 3. Cá bạc má có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, như: Kho tiêu, nghệ, nấu canh chua, các món hấp và chiên giòn.... |
Tác giả: Lường Toán
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn