Từ một ngư dân khá giả làm nghề biển có tiếng ở địa phương, ông Trần Văn Liên (53 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, đã lâm vào cảnh nợ nần, phải đi làm thuê để kiếm sống. Con tàu mà ông đã phải đi vay ngân hàng hàng chục tỉ đồng thì vẫn phải nằm bờ vì số phận pháp lý chưa rõ ràng.
Án chồng án
Trước đây ông Liên thuộc diện được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép. Khi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam yêu cầu đối vốn thì gia đình ông đã bán con tàu nhỏ, cầm cố nhà và vay thêm người thân để làm vốn đối ứng cho Ngân hàng BIDV vay 14,5 tỉ đồng (đã giải ngân 7,6 tỉ đồng). Tài sản đảm bảo là con tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.
Khi tàu sắp hoàn tất, ông Liên tiếp tục cầm sổ đỏ ngôi nhà vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, ngày 29-3-2016, khi tàu vỏ thép của ông Liên hạ thủy, chạy thử thì bị hỏng máy. Đơn vị đóng tàu là Công ty Cổ phần Đóng tàu Bảo Duy (gọi tắt là Công ty Bảo Duy) và đơn vị cung cấp máy là Công ty CP Tập đoàn Liên Á (gọi tắt là Công ty Liên Á) đổ lỗi cho nhau nên ông phải khởi kiện ra tòa. Từ đó đến nay, tàu của ông Liên phải nằm tại bờ biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) khiến gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Xử sơ thẩm vụ kiện, tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên, buộc Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại 2,8 tỉ đồng. Sau đó công ty này kháng cáo, cho rằng mình không có lỗi nên không bồi thường mà trách nhiệm bồi thường thuộc Công ty Liên Á.
Ngày 30-1-2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã xử phúc thẩm, tuyên chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á hoàn trả cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy lùi bị hư hỏng. Điều đáng nói là trong thời gian vụ kiện này chưa giải quyết xong thì ông Liên lại “dính” đến một vụ án khác với tư cách là bị đơn.
Ông Trần Văn Liên phải ôm một đống nợ mà tàu thì không thể ra khơi. Con tàu đóng theo Nghị định 67/2014 của ông trần văn Liên vẫn phải nằm bờ. Ảnh: TTN |
Tàu vẫn nằm bờ, chủ tàu vướng vòng luẩn quẩn
Theo đó, Công ty Bảo Duy khởi kiện ra TAND huyện Thăng Bình (Quảng Nam), yêu cầu ông Liên phải thanh toán theo biên bản thanh lý hợp đồng là hơn 7,5 tỉ đồng, tiền đối ứng khắc phục sự cố là hơn 3,5 tỉ đồng, cùng với lãi phạt do chậm thanh toán là 368 triệu đồng. Nhưng trên thực tế thì giữa Công ty Bảo Duy và ông Liên vẫn chưa hoàn thành hợp đồng.
Sáng 14-3 mới đây, TAND huyện Thăng Bình đã mời các bên liên quan gồm đại diện Công ty Bảo Duy, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Quảng Nam và ông Liên đến tổ chức phiên hòa giải lần thứ nhất.
Theo ông Liên, việc kiện tụng liên quan đến máy móc đã giải quyết xong. Phía Công ty Bảo Duy cũng muốn bàn giao tàu cho ông để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, ông phải thanh toán hợp đồng giữa hai bên, mà ngân hàng thì đòi thanh lý tài sản.
Tại buổi hòa giải, Ngân hàng BIDV cho biết trong suốt quá trình vay vốn, BIDV Quảng Nam luôn đề nghị khách hàng phải thực hiện đúng cam kết và nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, ông Liên đã nhiều lần vi phạm việc trả nợ và hiện khoản vay đã chuyển sang nợ xấu. BIDV Quảng Nam cũng đã đề nghị ông Liên thanh lý tài sản để thu hồi nợ nhưng không nhận được sự hợp tác nên phải khởi kiện ra tòa.
đại diện Công ty Bảo Duy cho biết công ty đã tạm ứng tiền thay máy mới cho tàu và đã hoàn thành trách nhiệm khi đã đóng xong con tàu theo đúng yêu cầu. Theo hợp đồng đã ký thì ông Liên phải nhận bàn giao tàu và thanh toán các khoản phí còn lại. đến nay con tàu vẫn phải nằm bờ do ông Liên không có đủ tài chính để thanh toán.
Vay sau 2018 không còn được hỗ trợ lãi suất Theo quy định, việc hỗ trợ lãi suất cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt hải sản theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ chỉ được áp dụng cho các khoản vay giải ngân đến ngày 31-12-2018. Đối với các khoản giải ngân sau năm 2018, chủ tàu sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Như vậy, mong muốn vươn khơi cùng con tàu sắt của ông Liên gần như không thể thành hiện thực. “Nếu tôi tiếp tục vay mà không nhận được sự hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 thì không thể trả hết nợ. Hơn nữa, tài sản của tôi hiện cũng không đủ để thế chấp vay số tiền lớn. Giờ tàu không thể ra khơi, tôi chỉ còn cách phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày” - ông Liên buồn rầu. |
Tác giả: THANH NHẬT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM