Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tàu khó vươn khơi vì thiếu lao động
Mùng 10 Tết, dạo quanh âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhiều người dễ dàng bắt gặp cảnh tàu bè nằm bờ với số lượng nhiều hơn so với mọi năm.
Con tàu vỏ gỗ ĐNa 9084 TS của ngư dân Huỳnh Văn Cường (ngụ quận Sơn Trà) nằm xếp lớp im lìm cùng hàng chục chiếc suốt 2 tháng tại âu thuyền. Trên bờ, ngư dân Cường đang cùng một số chủ tàu khác vừa ngồi tu sửa lại ngư cụ, vừa buồn bã bàn bạc cách ra khơi sớm nhất.
Anh Cường ngao ngán phân trần, sau thời gian mưa bão nghỉ đã đành, đến những chuyến bám biển cuối năm cũng không thể vươn khơi, nay đầu năm lại tiếp tục nằm bờ. Hỏi lý do, anh Cường cùng các chủ tàu nhìn nhau chua chát: “Chỉ có anh em chúng tôi lo ngay ngáy cho công việc thôi, còn bạn tàu vẫn “ở đâu đâu” chưa tìm thấy để nhổ neo cùng”. Anh Cường cho biết, so với nhiều con tàu khác ở Đà Nẵng, tàu của anh thuộc hàng nhỏ, chỉ cần 10 người. Nhưng mấy tháng qua anh chẳng thể gom được. Hiện, anh mới chỉ có được 5 bạn biển. Với con số này không thể ra khơi!
Anh Cường nói thêm, việc thuyền bè nằm bờ thế này khiến nhiều ngư tâm huyết dần chán nản. Đặc biệt, đã có nhiều ngư dân khóc ròng khi trót đầu tư vốn liếng bạc tỷ sắm mới những con tàu vỏ thép đồ sộ, trang thiết bị hiện đại.
Vừa trở về từ chuyến biển xuyên Tết đánh bắt ở phía nam quần đảo Hoàng Sa để bán cá, ngư dân Ngô Văn Trung (quận Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 90964 lo lắng vì chuyến biển sắp tới không biết các thuyền viên còn theo mình nữa hay không. Anh cho biết, 2 năm trở lại đây, trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều phải đi tìm lao động, thậm chí năn nỉ những bạn thuyền ở lại với mình.
Theo anh Trung, do nhiều lao động đã bỏ biển lên bờ. Hơn nữa, họ luôn tâm thế “đứng núi này trông núi nọ” rồi “nhảy việc. Vì thế, mỗi chuyến ra khơi, anh đều thưởng cho mỗi thuyền viên 1,5 triệu đồng tiền dầu (theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản). Ngoài ra, lao động còn được ứng trước 10 triệu đồng lo cuộc sống cho gia đình. Vậy nhưng, họ cũng đi theo tàu khác nếu tàu của mình không cho thu nhập cao trong chuyến đi.
“Nếu không tìm được lao động, tôi đành cho tàu ở nhà, khi nào có đủ lao động mới nổ máy ra khơi”, anh Trung tâm sự.
Tàu hậu cần nghề cá số hiệu ĐNa 90999TS của ngư dân Trần Minh Tuấn (ngụ quận Hải Châu) hạ thủy trước Tết Mậu Tuất khiến nhiều người chú ý bởi có giá trị hơn 31 tỷ đồng, dài hơn 41m, rộng 8m, mạn tàu cao gần 4m, lượng choán nước gần 600 tấn và công suất hơn 1 ngàn CV... và hứa hẹn mang lại những mùa vàng bội thu. Nhưng rồi, từ kỳ vọng, háo hức, chủ nhân con tàu thấp thỏm, âu lo trong việc tìm người lao động biển để ra khơi.
Anh Tuấn chia sẻ, vì mong muốn mọi điều suôn sẻ trong lần đi đầu tiên, anh chờ đợi đến ngày 16 tháng giêng Âm lịch này mới nhổ neo chứ không thể đi trong Tết như dự kiến. Trước đó, anh tích cực lo gom bạn tàu mãi mới đủ 24 người. Đặc biệt, anh “tung” chính sách trả lương cao và cho bạn tàu ứng tiền luôn cả tháng để chi tiêu. “Có điều, tôi cũng chỉ “nắm đằng chuôi” được 1 chuyến trước mắt này thôi”, anh Tuấn thừa nhận.
Đâu là thực trạng?
Lý giải về tình trạng khan hiếm lao động nghề biển, các chủ tàu nêu, hiện tại người lao động địa phương không còn mấy mặn mà với nghề. Một phần nguyên nhân do nghề biển nhiều rủi ro, nguy hiểm, một chuyến đi xa gia đình cả tháng. Phần nữa, hiện Đà Nẵng nở rộ nhiều loại hình dịch vụ nghề nghiệp du lịch, thời vụ nên hút lao động hơn. Còn lời anh Cường, anh Trung, đặc thù nghề biển không có hợp đồng lao động, không có sự ràng buộc giữa chủ và các bạn biển nên xảy ra tình trạng người lao động “nhảy cóc” cũng khiến công việc của các tàu bấp bênh.
Đồng tình, ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho rằng, đa số các bậc lão ngư không muốn con em mình nối nghề dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động. Số liệu từ Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng thể hiện, Đà Nẵng hiện có khoảng 1.200 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó, hơn 430 tàu công suất 400CV trở lên đánh bắt xa bờ, cần nhiều lao động đi biển. Hầu hết những lao động trên các tàu cá ở Đà Nẵng lấy từ người các tỉnh khác. Sau Tết, nhiều bạn thuyền ở lại quê, một số bỏ nghề nên tình trạng khan hiếm kéo dài.
“Theo tôi, các cơ chế cho lao động nghề biển chưa thật sự rõ ràng. Cần có nhiều ưu đãi hơn cho loại lao động này”, ông Hải kiến nghị.
Ngoài nguyên nhân từ nội tại, ông Trần Triết Tâm, Trưởng phòng Dân số-Văn xã (cục Thống kê TP Đà Nẵng) phân tích thêm, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỉ lệ thất nghiệp đứng đầu cả nước. Lao động phổ thông nói chung và nghề biển nói riêng thực ra không khan hiếm.
“Vấn đề chính, nhức nhối hiện tại là người lao động không có sự chịu khó, cần cù, không mặn mà với công việc. Khi chủ sử dụng lao động tìm không ra người nên cảm nhận rằng có sự khan hiếm. Còn thực tế, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở chỗ, nhiều năm qua, Đà Nẵng triển khai hàng loạt dự án, quy hoạch giải tỏa trên diện rộng. Đô thị hóa khiến người dân nơi đây mất đất canh tác, bù lại, họ trở thành những tỷ phú, triệu phú nhờ các khoản tiền đền bù. Có núi tiền, người dân xây dựng nhà cửa rồi để dành ăn tiêu. Từ đây có một bộ phận lớn vốn dĩ lao động chân tay từ nghề nông, nghề biển lại sinh ra lười nhác, có thói ỷ lại”, ông Tâm nhìn nhận.
Cũng lời ông Tâm, thời điểm hiện tại mới ở dạng tiềm ẩn, chỉ những người nghiên cứu mới nhận ra nhưng chắc chắn, nếu không thay đổi, không cảnh báo, nay mai hệ lụy này sẽ xuất hiện…
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam