Cuộc sống

"Ngôi nhà bình yên" giữa lòng Hà Nội cưu mang cô gái yêu lầm “gã họ Sở”

Bằng tấm lòng của mình, thầy Trần Duyên Hải, một nhà giáo già tại Hà Nội đã sẵn sàng cưu mang những bà bầu không còn chốn nương thân.

Lời kêu cứu của cô sinh viên tại Hà Nội

Trong mắt cô sinh viên Cẩm Nhung* (sinh năm 1989, khi đó học liên thông tại trường Đại học tại Hà Nội), chàng người yêu hơn cô 4 tuổi là mẫu con trai cực kỳ lý tưởng.

Thế nhưng tất cả sụp đổ khi Nhung đưa ra phiếu siêu âm thai đã thành hình, đạp nhẹ nhẹ trong bụng. Anh người yêu tuyên bố xanh rờn “Bỏ!”. Không chỉ chối bỏ cái thai, anh ta còn phũ phàng đánh đập Nhung mỗi khi gặp cô ở bất cứ đâu.

Ngôi nhà bình yên giữa lòng Hà Nội cưu mang chị em “trốn bầu” vì yêu lầm “gã họ Sở”

Không ít cô sinh viên phải đau khổ tìm nơi "trốn bầu" vì bị người yêu ruồng bỏ. Ảnh minh họa.

Qua bạn bè mách bảo, Nhung được biết tới Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội) do nhà giáo Trần Duyên Hải phụ trách, Nhung đã tới gặp thầy Hải xin “lánh nạn”.

Một câu chuyện xảy ra khoảng 9 năm trước khiến thầy Duyên Hải nhớ mãi. Chị Thanh, quê ở Hưng Yên đến gặp thầy Hải trong sự hoảng loạn. Chị yêu mù quáng, dẫn tới có thai mà không biết người đàn ông đó đã có gia đình. Chán nản, Thanh định ra cầu Long Biên nhảy xuống sông tự vẫn. Thế nhưng chị đã được mọi người khuyên can và đưa sang Trung tâm nhờ thầy Hải giúp đỡ.

“Khi đó, cái thai trong bụng chị ấy đã đến tháng thứ năm. Trung tâm tạo điều kiện cho hai mẹ con ăn ở, sinh con trong bệnh viện rồi tìm việc làm. Đến khi con được 7 tuổi, hai mẹ con chị vẫn ở lại Trung tâm, không thể về quê vì quá nghèo”, thầy Hải kể lại.

Nỗi lòng người cưu mang “trốn bầu”

Thầy Hải tâm sự năm 1975, khi thầy đang là giáo viên của Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội, hàng ngày đi làm qua bờ hồ Hoàn Kiếm, thầy chứng kiến cảnh những đứa trẻ do quá rách rưới, đói khát đã ăn cắp, cướp giật, bị người ta quây lại đánh đập rất thương tâm.

Thầy Trần Duyên Hải, người có tấm lòng cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: Thu Hà

Thấy vậy, thầy dẫn các em vào một con ngõ nhỏ, lau mặt, mua bánh mỳ, cháo cho các em ăn. Nghĩ cần phải làm gì đó giúp các em có công việc tự kiếm sống, thầy Hải đã bàn bạc với vợ mua một mảnh đất rộng 200m2 trên phố Linh Quang để làm một địa chỉ nhân đạo cho các em.

Theo thời gian, không chỉ có trẻ tàn tật, lang thang mà những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le cũng tìm đến địa chỉ nhân đạo này. Trong hai mươi năm trở lại đây, nhiều cô gái lỡ có bầu, bị gia đình, người yêu ruồng bỏ cũng tìm đến trung tâm nhờ thầy cưu mang. Với họ, đây là "ngôi nhà bình yên" trong giai đoạn khó khăn, không nơi nương tựa này.

Mấy chục năm làm công việc cưu mang những người phụ nữ “trốn bầu” này, thầy Hải không thể nhớ hết những mảnh đời, những câu chuyện của từng người. Chỉ biết rằng, họ đến trung tâm, nhờ thầy cưu mang đi qua giai đoạn khó khăn Cũng có ít người làm lại từ đầu, cuộc sống bước sang trang mới tươi sáng hơn và quay trở lại cảm ơn người thầy giáo già năm xưa.

Chỉ mong gia đình là điểm tựa giúp cô gái lỡ lầm được làm lại cuộc đời. Ảnh minh họa.

“Gia đình sợ tai tiếng, bản thân cô gái lỡ mang bầu sợ ảnh hưởng đến tương lai hạnh phúc, lại không có khả năng tài chính để nuôi nấng con nhỏ và không còn nơi nào để nhờ cậy. Cho nên bần cùng bất đắc dĩ họ mới phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

Trước kia, có bầu trước khi làm đám cưới là một cái án quá nghiệt ngã với người con gái. Có gia đình biết chuyện đã vác dao chém, đuổi đánh con. Vì thế, nếu muốn giữ lại đứa con, cô gái đó buộc phải tìm đến một nơi để trốn bầu”, thầy Hải chia sẻ.

Bản thân thầy Hải khi nhận cưu mang những mảnh đời lỡ làng như thế cũng chịu không ít vướng mắc. “Mọi người ì xèo khi thấy hai, ba cô gái bụng to đi lại trong trung tâm. Có người thì nghĩ tụi trẻ trong đó “làm bậy”. Đôi khi còn có cả người nhà của những cô gái mang bầu lên “ăn vạ” vì nghĩ chúng tôi là nguyên nhân gây ra sự việc”, thầy Duyên Hải bộc bạch.

Tuy nhiên, đằng sau những cái bụng bầu lùm lùm phải đi trốn đó là cả một câu chuyện đầy nước mắt. Vì lý do đó, một người thầy giáo già hàng ngày phải lo cơm ăn áo mặc, chăm sóc cho hàng chục đứa trẻ đến giờ vẫn không thể làm ngơ trước những mảnh đời phải tìm nơi “trốn bầu”.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP