Số hóa

Ngôi làng cấm phụ nữ sử dụng điện thoại di động vì sợ “ăn cơm trước kẻng”

Một ngôi làng ở Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm phụ nữ sử dụng điện thoại di động bên ngoài nhà của mình vì lo ngại rằng nhiều cô gái chưa có gia đình sẽ dùng điện thoại để liên hệ với đàn ông và “qua lại” với họ.

Các trưởng lão của ngôi làng Madora, một ngôi làng chủ yếu gồm người Hồi giáo tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), vừa ban hành một lệnh cấm mới gây tranh cãi, theo đó lệnh cấm này sẽ không cho phép phụ nữ trong làng sử dụng điện thoại di động bên ngoài nhà của họ.

Ngôi làng Madora tại Ấn Độ lo ngại phụ nữ sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến những mối quan hệ bất hợp pháp

Các trưởng lão của làng giải thích cho lệnh cấm này dựa trên thực tế rằng nhiều cô gái trẻ chưa lập gia đình trong làng đang sử dụng điện thoại di động để liên lạc với những người đàn ông khác trong thị trấn để "qua lại" cùng nhau. Những người này cho rằng lệnh cấm sẽ khiến các cô gái gặp khó khăn hơn trong việc liên hệ với những người đàn ông khác nhằm ngăn chặn các mối quan hệ bất hợp pháp.

Những ai vi phạm lệnh cấm khi bị bắt gặp sẽ chịu nộp phạt một số tiền lớn hoặc thậm chí bị phạt bằng roi. Số tiền phải nộp phạt có thể lên đến 325USD và nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt bằng đòn roi trước sự chứng kiến của công chúng.

Lệnh cấm được ban hành này đã lập tức gây nên những làn sóng phản đối mạnh mẽ từ chính người dân trong làng. Cảnh sát Ấn Độ cũng cho biết lệnh cấm này là vi hiến và xâm phạm quyền lợi của phụ nữ nên sẽ tiến hành điều tra vụ việc để đưa ra những thay đổi.

Trước đó các trưởng lão trong làng cũng đã ban hành lệnh cấm phụ nữ mặc quần jean, cấm giết bò (vốn bất hợp pháp tại phần lớn nhiều nơi ở Ấn Độ) hay cấm buôn lậu rượu...

Ngôi làng Madora chủ yếu do các trưởng lão quản lý và điều hành. Mặc dù điều này là bất hợp pháp tại Ấn Độ tuy nhiên các trưởng lão vẫn đang có những ảnh hưởng đáng kể tại nhiều ngôi làng ở các vùng nông thôn Ấn Độ.

Những trưởng lão tại các ngôi làng nổi tiếng với việc ban hành những điều luật nhằm duy trì các truyền thống bảo thủ xã hội tồn tại từ lâu trong làng và chống lại sự hiện đại hóa. Tuy nhiên đôi khi các sắc lệnh được ban hành lại vi phạm pháp luật tại Ấn Độ và đôi khi bị bãi bỏ khi có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng.

Tác giả: T.Thủy/Theo WWWN

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP