Toàn huyện Nghi Lộc hiện có hơn 24 ngàn con trâu, bò, 17 ngàn con lợn và trên 700 ngàn con gia cầm. Với 270 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, vì vậy nguy cơ gia súc, gia cầm chết do đói và dịch bệnh là rất lớn. Ý thức được thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nên gia đình Anh Nguyễn Hữu Công ở xóm 3 xã Nghi Kiều đã chủ động chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Với quy mô 1.000 con gà thịt và 200 con gà đẻ, bước vào đầu mùa mưa anh tu sửa che chắn lại chuồng trại, tăng cường khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, đồng thời tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng. Nhờ nắm được quy trình chăn nuôi nên đàn vật nuôi của gia đình chưa năm nào xảy ra dịch bệnh. Trung bình mỗi năm trang trại xuất chuồng 2,5 tấn gà thịt. Sau khi trừ chi phí anh còn lãi ròng trên 150 triệu đồng. Anh Công chia sẻ: “Theo tôi muốn chăn nuôi thành công thì mình phải thuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật. Thời điểm giao mùa mình phải tiêm phòng vác xin, chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ, tăng cường thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm, chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo”.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại
Không những Anh Công mà hiện nay, tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Nghi Lộc cũng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, Nghi Hoa, là địa phương có số lượng gia đình tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hơn 200 hộ, với tổng 1.500 con gia súc và hơn 50 ngàn con gia cầm. Vì vậy, bước vào mùa mưa công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của huyện, xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên hệ thống truyền thanh của xã để nhân dân nắm rõ và chủ động thực hiện. Đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã cơ bản che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ như: rơm khô, thân cây ngô, cỏ voi và bổ sung một số thức ăn tinh cho đàn vật nuôi. Ông Đặng Thọ Thiệu- PCT UBND xã Nghi Hoa ( Nghi Lộc) cho biết: "Sau khi có công điện khẩn của UBND huyện xã Nghi Hoa đã tập trung kiện toàn lại Ban chỉ đạo, phân công cụ thể các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho đàn vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ thú y viên của xã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, phun hoá chất tiêu độc khử trùng khu vực chợ Quán, các tụ điểm giết mổ gia súc, chuồng trại chăn nuôi, hạn chế mầm bệnh phát sinh "
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ
Trong những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi ở Nghi Lộc được xác định là thế mạnh của huyện trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, những ngày qua nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa to đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của đàn vật nuôi. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với cơ quan thú y phân công cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi như: Che chắn chuồng trại Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắcxin để chủ động tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch. Ông Trần Quốc Cường - Trưởng Trạm chăn nuôi & thú y Nghi Lộc cho biết thêm: "Đến thời điểm này chúng tôi đã tổ chức tiêm 21 ngàn liều vác xin tụ huyết trùng cho trâu bò; 12 ngàn liều vác xin lở mồm long móng cho vùng vành đai trang trại bò Úc; 11 ngàn liều vác xin dịch tả lợn và 37 ngàn liều vác xin cúm gia cầm. Đồng thời tổ chức phun 607 lít hoá chất cho các xã vùng trọng điểm, hệ thống chợ và tụ điểm buôn bán gia súc, gia cầm"
Với sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền các cấp ở Nghi Lộc, sự giám sát chặt chẽ của Trạm chăn nuôi & thú y, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi./.
Tác giả bài viết: Thu Hiền (Đài Nghi Lộc)