Trồng mướp đắng ỏ xã Nghi Thuận.
Trồng xen cây ngô với hành tăm cũng là cách tận dụng diện tích đất nông nghiệp, đem lại thu nhập.
Năm 2016, địa phương sản xuất 80ha rau màu các loại, tăng 20ha so với năm ngoái. Đây chính là các diện tích UBND xã đã vận động bà con chuyển đổi từ các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Ông Đặng Bá Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận phấn khởi: "Thành công lớn nhất là năm nay xã đã vận động bà con chuyển đổi được các diện tích đất hai lúa sang trồng rau màu. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích nữa sang trồng ngô, rau. Phấn đấu được hơn 100ha rau màu vụ đông".
Dưa hấu Nghi Long hiện đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương được Đảng bộ trong nhiều năm qua. Vì vậy, đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo chỉ đạo có hiệu quả. Hàng năm, Đảng bộ xã Nghi Long biểu dương khen thưởng những cách làm hay, sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể để rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương sát thực”.
Ngô là một trong những thực phẩm được người dân tận dụng để phục vụ nuôi dê để tăng gia sản xuất.
Bên cạnh đó, để khai thác tiềm năng đất triền đồi, Đảng bộ các xã vùng bán sơn địa có chủ trương phát triển mô hình chăn nuôi vườn rừng. Vừa tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy kinh tế, tạo điều kiện vay vốn, đến nay toàn huyện có 316 trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi hàng chục ha diện tích lúa cho năng suất hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản tôm, cá, chăn nuôi vịt, chuyển đổi diện tích trồng lúa trước đây khó khăn về nguồn nước sang các loại cây công nghiệp có giá trị cao như đậu xanh, ngô, lạc...
Lãnh đạo xã kiểm tra mô hình lạc L14 phục tráng.
Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 05 về "chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích" đã làm cho bộ mặt nông thôn ở Nghi Lộc ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân trên 1 héc ta đất nông nghiệp tăng từ 58 triệu đồng năm 2010 lên 82 triệu đồng năm 2015. Chỉ đạo xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn với các giống chất lượng cao. Nhờ vậy, đời sống của bà con các hộ dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 17% năm 2010 xuống 2,55% năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,3 triệu đồng/người/năm tăng lên 28,1% năm 2015.
Ngoài linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân địa phương áp dụng cơ giới hoá để tăng năng suất lao động.
Ông Đồng Thanh Bình - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tiếp tục đưa một số giống mới vào sản xuất. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng xây dựng một số mô hình, các giống cây con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn huyện. Làm sao để trong điều kiện đất thu hẹp so với trước nhưng tổng sản lượng vẫn đạt được trên 90 ngàn tấn/năm".
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân Nghi Lộc sẽ tiếp tục phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại.
Tác giả bài viết: Hồng Vinh - Đài TTTH Nghi Lộc
Nguồn tin: