Kinh tế

Nghi Lộc: Nhiều giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Trước tình hình nhiệt độ hạ thấp, đàn vật nuôi tiêu tốn nhiều năng lượng, giảm sức đề kháng, nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm và chết rét, đói là rất cao, người chăn nuôi ở Nghi Lộc đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho người chăn nuôi, góp phần ổn định sản xuất trên địa bàn.

Toàn huyện Nghi Lộc hiện có hơn 24 ngàn con trâu, bò, 17 ngàn con lợn và trên 700 ngàn con gia cầm. Với trên 320 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, Nghi Kiều là địa phương có số lượng gia súc, gia súc, gia cầm lớn nhất huyện, với quy mô hơn 200 hộ, với tổng 2.500 con gia súc và hơn 150 ngàn con gia cầm.
Những ngày rét đậm, các hộ chăn nuôi nhốt bì tại chuồng
Bước vào mùa đông, UBND xã Nghi Kiều đã tuyên truyền các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên hệ thống truyền thanh của xã để nhân dân nắm rõ và chủ động thực hiện như: che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ như: rơm khô, thân cây ngô, cỏ voi và bổ sung một số thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.

Ông Hoàng Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: Sau khi có công điện khẩn của UBND huyện, xã Nghi Kiều đã tập trung kiện toàn lại Ban chỉ đạo, phân công cụ thể các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; Tuyên truyền người dân không chăn thả trâu bò vào những ngày rét đậm, nhằm hạn chế trâu bò bị chết do thời tiết rét đột ngột.

Các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại tránh gió lùa
Ông Nguyễn Đức Việt ở xóm 9 - xã Nghi Mỹ là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi trâu, bò cho biết: Đối với người nông dân thì đàn trâu bò là cả cơ nghiệp của gia đình. Vì thế, bước vào mùa đông gia đình đã chuẩn bị dự trữ rơm rạ và năm nay trồng thêm 1 sào cỏ voi với mật độ dày để làm nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò; Che chắn chuồng kiên cố, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ướt nền chuồng. Những ngày rét đậm, ông nhốt trâu, bò cho ăn tại chuồng, cho uống thêm nước ấm pha muối, đồng tời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng cho vật nuôi.
Dùng chăn bông cũ quấn vào cơ thể giữ ấm thân nhiệt cho trâu
Gia đình anh Nguyễn Trung ở xóm 13 xã Nghi Thuận chọn giải pháp sưởi ấm cho đàn lợn bằng cách lắp bổ sung thêm bóng điện tròn để sưởi ấm cho đàn lợn mới 20 ngày tuổi. Theo anh Trung, ngoài việc tăng cường khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng, thì gia đình còn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, lót nền chuồng bằng rơm khô để giữ ấm cơ thế cho đàn gia súc nhằm hạn chế dịch bệnh.
Anh Nguyễn Trung lắp thêm bóng điện sưởi ấm cho đàn lợn con 20 ngày tuổi
Ba năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi ở Nghi Lộc được xác định là thế mạnh của huyện trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, do sự biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, rét đậm rét hại lên xuống đột ngột nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực chăn nuôi của huyện. Do vậy, bước vào mùa đông năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với trâu bò cần tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng bằng cách cho ăn đủ lượng thức ăn xanh (cỏ, cây ngô), cỏ ủ hoặc rơm ủ, thức ăn tinh; nước uống có bổ sung muối ăn. Không thả rông trâu, bò trong núi; những ngày rét đậm, rét hại đốt lửa sưởi ấm; dùng bao tải gai, bao tải dứa để mặc giữ ấm cho trâu bò. Đối với gia cầm, các gia đình chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện để sưởi ấm cho gia cầm. Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gia cầm.
Nông dân trồng thêm cỏ voi bổ sung thức ăn cho trâu bò
Đối với cơ quan thú y, phân công cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắcxin để chủ động tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch.

Song song với chủ động phòng chống rét cho gia súc, các địa phương và người chăn nuôi hiện tập trung công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh khi thời tiết thay đổi thường xuyên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống và công tác kiểm soát giết mổ động vật, khi có dịch bao vây kịp thời, khống chế hiệu quả, tuyệt đối không để dịch bệnh lan rộng.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP