Nghi bị kẻ ngáo đá tấn công, 3 em bé bị phơi nhiễm HIV. Ảnh minh họa |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết một bé 4 tuổi bị chém một nhát ở trán, bé 6 tuổi bị sượt nhẹ ở ngón tay. Bé trai còn lại 11 tuổi bị thương nặng nhất, với vết thương hở của má và vùng thái dương, xương hàm dưới.
Sau khi xử trí vết thương, các bác sĩ cho bệnh nhi làm xét nghiệm HIV và uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễm. Hiện cả 3 cháu được cho về nhà theo dõi. Gia đình cho biết các bé đang chơi ở khu vực gần nhà thì bị một thanh niên lạ mặt, nghi ngáo đá cầm dao tấn công.
Theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da không nguyên vẹn với máu, mô hay các dịch cơ thể khác có nguy cơ lây nhiễm HIV. Như vậy, trong cuộc sống có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do:
Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm.
Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn đã dùng cho người nhiễm
HIV/AIDS chọc, đâm vào gây chảy máu.
Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.
Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).
Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…
Sơ cứu khẩn cấp
Để máu chảy tự động trong khoảng 5 đến 10 phút dưới vòi nước
Dùng xà phòng và dung dịch sát khuẩn sau đó
Đến cơ sở y tế có uy tín để làm các xét nghiệm tầm soát HIV trong thời điểm thuốc kháng virus HIV còn có công hiệu.
Thời điểm tốt nhất để thuốc kháng HIV có công hiệu là trong khoảng thời gian 72 giờ tính từ thời điểm bị thương. Trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị phơi nhiễm thuốc kháng virus có tác dụng 100%, tỉ lệ này sẽ giảm dần trong khoảng thời gian sau đó.
Sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, thuốc hầu như không có hiệu quả. Do vậy người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để làm thủ tục thăm khám, xét nghiệm, tầm soát HIV trong thời điểm thuốc kháng virus HIV còn có công hiệu.
Đối với trường hợp âm tính với HIV, có thể được chỉ định uống thuốc kháng virus HIV và phải tái khám trong vòng 3 – 6 tháng để xác định có virus HIV trong cơ thể hay không. Một số trường hợp vết thương ngoài da nhưng không sâu, không bị chảy máu… bác sĩ xác định nguy cơ phơi nhiễm HIV thấp sẽ không phải uống thuốc kháng virus HIV
Tác giả: Hạo Nhiên
Nguồn tin: doisongplus.vn