Đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm Dũng Huệ ở xóm 9 xã Xuân Thành mới thấy được không khí lao động khẩn trương. Đây là một trong những cơ sở sản xuất với quy mô lớn ở huyện Yên Thành, chuyên chế biến bột hương và làm hương trầm, hương thẻ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh đã hơn 10 năm nay. Sản phẩm hương trầm được làm bằng phương pháp thủ công, mang hương vị riêng của làng Kẻ Gám
Là nghề truyền thống sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là 2 tháng giáp Tết. Để có được sản phẩm hương trầm, hương thẻ đảm bảo chất lượng, có vị thơm mang đặc trưng riêng của vùng Kẻ Gám, ngoài bí quyết của cha ông để lại, những năm qua, vợ chồng anh Cao Đức Dũng và chị Phan Thị Huệ đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng cơ sở sản xuất với quy mô lớn theo hướng bán công nghiệp. Hương trầm vùng Kẻ Gám được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng
Theo anh, chị, nghề làm hương tuy không khó, nhưng để đáp ứng với nhu cầu tâm linh của nhân dân thì người làm hương phải giữ được cái “Tâm” và chữ “Tín” đối với khách hàng. Bên cạnh đó, nguyên liệu và pha chế nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đòi hỏi phải có một bí quyết riêng.
Ngoài bao tiêu sản phẩm cây rễ hương cho bà con trong huyện, cơ sở này còn liên kết với một số cơ sở khác ở các huyện vùng cao trong tỉnh để thu mua sản phẩm chu hương, bột hương trầm. Vì thế, bình quân mỗi ngày cơ sở hương trầm Dũng Huệ đã sản xuất hết 0,3 tấn bột hương và bán ra thị trường khoảng 10 tấn bột nguyên liệu đã qua sơ chế. Nhờ sản xuất có uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh, 4 năm nay, gia đình anh chị đã đầu tư gần 500 triệu đồng, mua thêm 7 máy làm hương thẻ, hương vòng, máy xay, máy trộn bột, xe ô tô vận chuyển, giao hàng... thu hút 10 lao động làm việc thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tăng ca, ngoài giờ. Cơ sở sản xuất hương trầm Dũng Huệ, xóm 9 xã Xuân Thành nhộn nhịp sản xuất hàng Tết
Chị Huệ cho biết: Từ nay đến Tết âm lịch, các lao động ở đây phải chạy đua với thời gian mới kịp hoàn thành 500 thùng hàng với số lượng 500 ngàn cây hương trầm và hương thẻ theo đơn đặt hàng dịp cuối năm, vì thế cơ sở phải huy động công nhân làm thêm 3 giờ mỗi ngày vào thời điểm ban đêm, phấn đấu đưa mức thu nhập cả năm đạt trên 300 triệu đồng.
Cùng với sản xuất hương trầm, thời điểm này các cơ sở sản xuất nấm ở xã Xuân Thành cũng đang khẩn trương với công tác trồng, chăm sóc và bảo quản các loại sản phẩm nấm. Là xã thuần nông, mấy năm gần đây nghề trồng nấm ở đây đã có bước phát triển. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô lán trại, xây dựng lò hấp thanh trùng... Ngoài tận dụng các loại phụ phẩm từ nông nghiệp còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thời điểm nông nhàn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
Gia đình ông Thái Hữu Vinh, xóm bắc Phượng Sơn xã Xuân Thành đã hoàn thành công đoạn cấy phôi nấm vào bịch nguyên liệu, chuẩn bị đưa vào trồng ở lán trại
Tại cơ sở trồng nấm của ông Thái Hữu Vinh, xóm bắc Phượng Sơn - xã Xuân Thành, ngoài sản xuất rải vụ trong năm, ngay từ đầu tháng 10 (âm lịch) đã chuẩn bị 160m3 nguyên liệu, gồm mụn cưa, rơm rạ để sản xuất nấm vụ Tết. Hiện tại, gia đình anh đã đóng và cấy phôi vào 40 ngàn bịch nguyên liệu để trồng trên diện tích 200m2 trong khu vực lán trại, trong đó chủ lực là mộc nhĩ và nấm sò. Sản phẩm nấm sò được sản xuất bằng phương pháp sinh học, đảm bảo an toàn VSTP, giàu chất dinh dưỡng
Bằng kiến thức đã qua các lớp tập huấn và kinh nghiệm tích lũy qua các vụ sản xuất, dự kiến vụ nấm này sẽ đưa lại kết quả khả quan và sẽ cho thu hoạch đại trà vào tháng Chạp, bình quân mỗi ngày sẽ cung cấp cho thị trường từ 40-50 kg sản phẩm nấm, với giá hiện nay giao động từ 25 -30 ngàn đồng/ kg, như vậy trong tháng cuối năm gia đình ông sẽ có thêm nguồn thu xấp xỷ 50 triệu đồng.
Nói đến Xuân Thành, chắc hẳn mọi người không thể nhắc đến đào phai của làng Kẻ Gám, bởi hoa đào nơi đây luôn nở đúng vào dịp Tết, hoa 5 cánh hồng mịn, mang một vẻ đẹp riêng. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong mấy năm gần đây, trên 150 hộ dân ở 4 xóm thuộc khu vực dưới chân rú Gám đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, thay thế dần bằng giống đào bản địa, có những hộ trồng cả ngàn gốc đào trong vườn nhà, đây đây được xem là một trong những nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nhờ đó, vào dịp Tết, bình quân mỗi hộ cũng có nguồn thu từ 20 – 30 triệu đồng. Với diện tích 3 sào đất vườn, gia đình ông Nguyễn Viết Di – Xóm 9 xã Xuân thành đã trồng 1 ngàn gốc đào phai, là nguồn thu nhập cao vào dịp Tết
Chị Hà Thị Phượng - Xóm 9 - xã Xuân Thành chia sẻ: Khờ có 200 gốc đào trong vườn, nên năm nào cũng có thu nhập nên ra Tết có tiền cho hai đứa con đang học đại học, không phải bán lợn, bán lúa như những năm trước đây.
Mặc dù năm nay thời tiết không mấy thuận lợi đối với nghề trồng đào, nhưng với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, thời điểm này hầu hết ở các nhà vườn ở Kẻ Gám, cây đào đã bắt đầu xuống lá, người dân đang tập trung cho việc tỉa cành, chăm sóc để đào hé nụ đúng dịp, không sử dụng đến hóa chất kích thích, đảm bảo môi trường sinh thái và hạn chế được chi phí đầu tư. Sắc Xuân đến sớm ở làng đào Kẻ Gám
Ông Lê Văn Hải- Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết: Từ năm 2012, xã Xuân Thành được quy hoạch trong dự án lớn của tỉnh về xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái Rú Gám. Cùng với những giải pháp trong phát triển KT-XH, thì nghề làm hương trầm, trồng nấm và trồng đào là điểm nhấn để phát triển kinh tế hộ. Theo đó, đối với những hộ tham gia nghề đều được hưởng cơ chế về vốn vay ưu đãi, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về xây dựng mặt bằng, nhà xưởng, môi trường nông thôn. Riêng với những hộ trồng nấm và trồng đào, ngoài phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hàng năm xã còn tổ chức cho người dân đi thăm quan học tập ở một số mô hình trong và ngoài huyện. Đặc biệt mới đây, UBND xã đã có đề án xây dựng dưới chân rú Gám trở thành một vùng chuyên trồng đào Tết, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, vừa thu hút du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đào quê của làng Kẻ Gám mỗi dịp Tết đến, Xuân về Tác giả bài viết: Thái Dương
Nguồn tin: