Giải trí

Nghệ sĩ Trà My nói về cát sê hàng chục cây vàng/tháng

“Vì chạy show nhiều quá nên người ta đồn tôi mỗi tháng thu nhập hàng chục cây vàng. Thông tin này lan truyền khắp nơi làm tôi đi đâu cũng bị đồng nghiệp trêu chọc. Thực tế là cát sê của tôi thời điểm đó khá cao và thu nhập cũng tốt nhưng không đến nỗi mấy chục cây vàng”, nghệ sĩ Trà My chia sẻ.

Xuất thân là nghệ sĩ cải lương nhưng chị lại biết đến nhiều hơn với tư cách là nghệ sĩ hài. Chị đến với lĩnh vực hài từ cơ duyên nào?

Phải nói rằng, tôi bén duyên với hài là nhờ NSND Khải Hưng và sân chơi “Gặp nhau cuối tuần”. Năm 2002, tôi gặp anh Khải Hưng trong một chương trình văn nghệ ở phường Minh Khai - Hà Nội. Thời đó, anh em chúng tôi ở cùng phường với nhau nhưng trước đó chưa hề biết nhau. Sau lần gặp ấy, anh Khải Hưng mời tôi đóng tiểu phẩm cho “Gặp nhau cuối tuần”.

Tôi còn nhớ, tiểu phẩm “chào sân” tôi được đóng với anh Quang “tèo” và Giang “còi”. Từ đó trở đi, 3 anh em tôi thành một “đoàn kịch” 3 người và diễn với nhau cho đến khi sân chơi này dừng lại. Ngoài ra, tôi cũng có rất nhiều tiểu phẩm đóng chung với cố nghệ sĩ Văn Hiệp mà chúng tôi gọi thân mật là “bố Hiệp”.

Bộ ba Trà My, Giang "còi, Quang "tèo" vẫn thân thiết với nhau như thời đóng "Gặp nhau cuối tuần".


Chị có nghĩ là nhờ sân chơi này mà sự nghiệp cũng như cuộc đời chị đã khác?

Tôi nghĩ rằng, không chỉ có cá nhân tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác cũng phải cảm ơn NSND Khải Hưng và chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Nhờ sân chơi này mà Trà My, Giang “còi”, Quang “tèo”, Thảo Vân, Vượng “râu”, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long, Công Lý… đến gần hơn với khán giả và tiếng tăm cũng vang xa hơn. Nhiều nghệ sĩ trẻ khác trước đó chưa được khán giả nhớ mặt đặt tên nhưng qua sân chơi này mà trở nên nổi tiếng.

Phải nói rằng, ở thời điểm đó, “Gặp nhau cuối tuần” là một chương trình tuyệt vời. Chương trình đã mang lại tiếng cười và những “món ăn tinh thần” thú vị cho khán giả. Bên cạnh đó cũng cho các nghệ sĩ một sân chơi mà từ đó họ có nhiều cơ hội tỏa sáng trong nghề nghiệp và thay đổi cuộc đời.

Nhiều thông tin cho rằng, thời điểm Trà My nổi tiếng ở “Gặp nhau cuối tuần” là thời điểm chị “hốt” bạc hàng ngày?

Đúng là thời điểm đó tôi nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn trong các chương trình doanh thu ở các tỉnh. Và không chỉ tôi đâu mà các nghệ sĩ khác của “Gặp nhau cuối tuần” cũng thế. Vì chạy show nhiều quá nên người ta đồn tôi mỗi tháng thu nhập hàng chục cây vàng. Thông tin này lan truyền khắp nơi làm tôi đi đâu cũng bị đồng nghiệp trêu chọc.

Thực tế là cát sê của tôi thời điểm đó khá cao và thu nhập cũng tốt nhưng không đến nỗi mấy chục cây vàng. Trước đó, từ năm 1996, tôi đã làm ra tiền rồi chứ không phải đến sau này nhưng đúng khi tham gia “Gặp nhau cuối tuần” thì mức thu nhập từ chạy show rất cao.

Vậy khi “Gặp nhau cuối tuần” dừng lại, chị cũng như đồng nghiệp có cảm thấy “sốc”?

Sốc chứ, sốc nặng nữa là đằng khác. Thời điểm đó, ở miền Nam có nhiều sân khấu và chương trình giải trí chứ ở miền Bắc rất ít. Các sân khấu cũng đa phần diễn chính kịch chứ không có nhiều vở hài kịch. Vì thế, “Gặp nhau cuối tuần” là sân chơi để nghệ sĩ hài có thể sống được và cống hiến. Khi sân chơi này khép lại, cảm giác hụt hẫng bao trùm lấy tất cả. Nghệ sĩ lẫn khán giả.

Trà My trong một phim hài tết.


Chị còn nhớ những kỷ niệm hoặc những vai diễn khi đóng chung với cố nghệ sĩ Văn Hiệp trong sân chơi ấy?

Tôi diễn rất nhiều tiểu phẩm với “bố” Văn Hiệp, anh Quang “tèo” và Giang “còi”. Riêng vở “Trưởng họ chán cơm” của tôi với “bố” Hiệp diễn hơn 1000 suất ở tất cả các sân khấu lớn nhỏ. Có những đợt hai bố con vào Tây Nguyên ăn dầm ở dề tới 3 tháng trong đó để diễn vở này.

“Bố” Hiệp dù lớn tuổi rồi nhưng sống trẻ trung lắm và rất tình cảm. Cho đến bây giờ những câu nói bố con trò chuyện trong quá trình đi diễn với nhau hoặc những vai diễn khi đóng chung vẫn còn rất rõ trong tôi. Thỉnh thoảng, khi nhớ “bố”, tôi lại mở Youtube ra xem lại các tiểu phẩm hai bố con diễn với nhau. Những lúc đó, bao kỷ niệm ngày xưa lại ùa về khiến tôi không cầm lòng được.

Kỷ niệm với Quang “tèo” với Giang “còi” thì vui lắm. Đi diễn chung với hai ông ấy tôi toàn được phong làm Trưởng đoàn. Đoàn có 3 người, tôi làm Trưởng đoàn còn hai ông ấy giữ chức Phó đoàn mà không có nhân viên.

Năm 2005, có lần anh em đi diễn với nhau ở Quảng Ninh, do lên sân khấu bị quên lời nên 3 anh em tranh luận với nhau suốt cả chặng đường về. Đến khi căng thẳng quá, anh Giang tuyên bố “Thôi, không nói nhiều nữa, ngày mai triệu tập họp đoàn” làm cả 3 anh em phì cười. Đoàn có 3 người mà cứ động cái là đòi họp đoàn trong khi cãi nhau mỏi mồm trên xe.

Rồi có lần chúng tôi diễn ở Cao Bằng, đúng lúc tiểu phẩm của chúng tôi đang diễn thì sân khấu bị sập, mọi người chạy tán loạn. Tôi được anh Giang dìu chạy về phía một quán Karaoke, còn Thảo Vân và Quang “tèo” chạy hướng nào cũng không rõ. Mãi tới khi tình hình ổn định, chúng tôi quay lại sân khấu thì khán giả đã về hết. Lúc này, anh Giang mới trách anh Quang tại sao lúc đó không giúp đỡ tôi thoát ra bên ngoài mà chỉ lo mỗi thân mình thì anh Quang mới phân trần là lúc đó ông ấy bị chó đuổi cắn chạy tưởng chết (cười lớn).

Nói chung là giữa tôi với anh Giang và anh Quang có nhiều kỷ niệm lắm, kỷ niệm nào cũng cười chảy cả nước mắt. Chẳng hạn, đi diễn với anh Giang mà được khán giả mời ăn uống là tôi toàn đóng vai vợ Giang. Ngồi vào bàn ăn mà khán giả mang rượu đến chúc anh Giang nhiều quá là tôi lại trợn mắt quát tháo như vợ thật ấy để mọi người sợ không dám chúc nữa. Nhiều lần như thế mọi người lại cứ nghĩ tôi là vợ anh Giang thật nên khi chúng tôi đi với nhau là kiểu gì anh Giang cũng không bị chuốc rượu nhiều.

Trà My - Quang "tèo" trong một tiểu phẩm.

Thân thiết và ăn ý tới mức đó tại sao lâu lắm rồi cả ba không diễn chung với nhau?

Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đi diễn với nhau, chỉ có điều không thường xuyên được với nhau như hồi ở “Gặp nhau cuối tuần” thôi. Do lúc gọi được người này thì người kia vướng lịch, gọi được người kia thì người này kẹt show.

Thực tế, có thể chúng tôi ít diễn chung với nhau nhưng lại vẫn quay hài cùng nhau. Mới đây, chúng tôi lại tái hợp trong serie hài “Chí Phèo ngoại truyện” của đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Chị nhìn nhận như thế nào về tính cách của nghệ sĩ Giang “còi” và Quang “tèo”?

Tính cách của cả hai anh ấy là hơi nóng tính, không nên không phải điều gì là nói thẳng luôn nhưng lại rất tốt. Cả hai cũng là những người rất chăm chỉ, cần mẫn và vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Tôi chưa thấy hai người ấy chơi bời bao giờ. Đó là điều tôi rất cảm phục hai ông anh của mình.

Năm nay chị lại tham gia một vai trong hài tết “Họ Lý tên Thông”. Chị có thể chia sẻ một chút về vai diễn của mình?

Vai của tôi là vai bà mối, không nhiều đất diễn lắm nhưng cũng rất ấn tượng. Chính bà mối này là người đã mai mối cho Lý Thông lấy con gái bà chủ nọ khi Thạch Sanh đang đi lính. Thực ra, cô gái này yêu Thạch Sanh chứ không yêu Lý Thông. Đến khi Thạch Sanh ra trận lập được chiến công, được vua phong làm quan võ trở về thì cả hai người đã quay lại với nhau.

Vốn dĩ tôi là người thích hài dân gian nên khi được đạo diễn Phạm Đông Hồng mời vào vai này tôi rất hứng thú. Và khi diễn xong, xem lại vai mình diễn tôi cũng cảm thấy hài lòng và thích thú.

Trà My - Giang "còi".

Là người từng tham gia nhiều phim hài tết, chị nhìn nhận như thế nào về hài tết nhiều năm trở lại đây?

Tôi thấy hài tết ngày càng đa dạng về thể loại nhưng chất lượng vẫn phân chia làm hai. Những thương hiệu hoặc tên tuổi đã khẳng định mình thì vẫn cho ra những sản phẩm rất chất lượng nhưng cũng có những sản phẩm xem rất chán. Thực ra, cái này đôi khi còn phụ thuộc vào yếu tố kinh tế. Có những người xin được tài trợ nhiều thì sẽ đầu tư nhiều và cho ra những sản phẩm hay hơn.

Nhiều khi cũng phải thông cảm cho nhà sản xuất vì họ không xin được tài trợ nên có muốn đầu tư làm ra sản phẩm thật hay cũng bị bó buộc bởi kinh phí.

Nhiều người cho rằng, tiếng cười mà hài tết mang lại ngày nay càng lúc càng nhảm nhí, tẻ nhạt và bông phèng. Chị nghĩ sao?

Tôi nghĩ là cái này còn tùy thuộc vào đánh giá của từng người.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP