Chị Ngô Thị Ngọc Lan (Hà Nội), quản lý cấp cao tại Navigos Search – đơn vị chuyên tư vấn nhân sự cấp trung – cao cấp còn nhớ cách đây chục năm khi mới vào nghề “săn đầu người” (headhunter) đã vấp ngay yêu cầu rất khó nhằn.
Khách hàng muốn tìm quản lý kinh doanh cho một doanh nghiệp FDI có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Nhật nhưng lại phải làm việc tại Hải Dương. Sau hàng trăm cuộc điện thoại tới các ứng viên thì có một người đáp ứng tiêu chí của nhà tuyển dụng đã nhận lời thử thách với cơ hội mới để thoát khỏi công việc buồn tẻ đang làm. Tuy nhiên, trở ngại tiếp theo lại đến từ phía gia đình khi chồng của ứng viên không đồng ý cho vợ di chuyển mỗi ngày vài chục cây số đi làm, dù có xe bus đưa đón. Mất nhiều thời gian theo đuổi, chị Lan khi đó phải gặp, tư vấn cho cả người thân của ứng viên và cuối cùng “thương vụ” đã thành công.
“Đó là một trải nghiệm rất sâu sắc. Bởi lúc đó tôi không chỉ phải hiểu ứng viên của mình mà còn hiểu mong muốn từ phía gia đình họ. Điều duy nhất mình làm được là đem đến cơ hội phát triển tốt nhất cho nghề nghiệp của ứng viên và đưa ra những phân tích để họ tự đặt lên bàn cân rồi quyết định”, chị Lan cho hay.
Trong khi đó, có những trường hợp mà headhunter tưởng như đã “mai mối” thành công rồi nhưng tình thế lại đảo ngược vào phút chót. Chị Trần Thị Hoàn, quản lý cấp cao với nhiều năm kinh nghiệm săn đầu người cho các doanh nghiệp sản xuất còn nhớ mãi về trường hợp tuyển dụng cho một dự án nước ngoài cần ứng viên làm việc tại Thanh Hóa. Ứng viên nhanh chóng nhận lời bởi cũng muốn có cơ hội về quê làm việc.
“Tuy nhiên, đến khi có thông báo tiếp nhận công việc thì anh chia sẻ là có cô bạn gái ở Hải Dương. Đến khi phải suy nghĩ việc về quê làm thì ứng viên mới nhận thấy có tình cảm đặc biệt với cô bạn này và đắn đo. Điều đó cũng khiến 2 bạn nhận ra tình cảm của nhau, rồi đi đến quyết định kết hôn và ở lại Hải Dương làm việc”, chị Hoàn kể lại và cho biết tuy việc “làm mối” giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trong trường hợp này bất thành nhưng chị luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhớ đến kỷ niệm đó.
Nghề tìm kiếm nhân sự cấp cao cho doanh nghiệp là một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ảnh minh họa |
Việc tìm được các ứng viên phù hợp với vị trí quản lý bộ phận đã khó, với những đặt hàng tuyển người điều hành cao nhất như tổng giám đốc doanh nghiệp, ngân hàng hoặc giám đốc nhà máy thì khó khăn còn lớn hơn nhiều vì họ là người đang giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp và rất dè dặt trong việc trao đổi thông tin. Theo chị Lan, một trong những điều quan trọng nhất của tư vấn nhân sự cấp cao là hiểu rõ công việc của ứng viên, hiểu mong muốn và tạo được sự tin tưởng nơi họ.
Do đó, theo chị, với những vị trí quản lý bộ phận, thông thường headhunter mất khoảng 2-3 tháng để tìm được ứng viên và chốt “thương vụ” thì những vị trí cấp cao nhất trong doanh nghiệp, chị Lan đôi khi phải cần thời gian nhiều gấp 2-3 lần. Có những vị trí CEO của một doanh nghiệp hay Phó tổng giám đốc của một ngân hàng chị phải mất đến gần một năm để tìm kiếm, theo đuổi cũng như đàm phán để hòa hợp được đòi hỏi của nhà tuyển dụng và ứng viên.
Tuy nhiên, cũng không ít những trường hợp dù mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm nhưng ứng viên và đơn vị tuyển dụng vẫn “ly hôn” chỉ sau một thời gian ngắn. Vài năm trước, chị Lan nhận nhiệm vụ tuyển một vị trí cao trong một nhà băng có mức lương hàng chục nghìn USD mỗi tháng. Yêu cầu từ nhà tuyển dụng cao nên chị phải mất thời gian dài tìm những ứng viên trên ở thị trường nước ngoài thông qua việc trao đổi, phỏng vấn, thuyết phục bằng video, điện thoại. Tuy nhiên, khi ứng viên nhận lời và đến Việt Nam thì chỉ sau một thời gian ngắn lại chia tay với công việc đó bởi không phù hợp văn hóa và không tìm được tiếng nói chung.
Với đặc thù việc tuyển dụng nhân sự cấp cao đòi hỏi sự kiên trì, cẩn trọng trong việc đảm bảo bí mật thông tin của ứng viên cũng như nhà tuyển dụng, các headhunter lâu năm trong nghề đều cho biết, tỷ lệ người theo nghề này không nhiều.
Hiện ở Việt Nam chưa có trường đào tạo về ngành "săn đầu người". Vì thế, headhunter là những người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, giàu trải nghiệm về nghề nghiệp và kinh nghiệm sống.
"Nghề headhunter không đòi hỏi bạn phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nhân sự hay kinh doanh, nhưng cần là người có giàu trải nghiệm về nghề, kinh nghiệm sống, có thể tư vấn lộ trình nghề nghiệp cho người khác", một vị quản lý cấp cao một đơn vị tư vấn cho hay.
Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia này, người làm headhunter, đặc biệt là phân khúc nhân sự cấp trung - cao cấp phải là người "không sợ thất bại" bởi có những "thương vụ" họ mất cả năm và tiếp xúc hàng trăm ứng viên để theo đuổi.
Chị Vân Lê bước vào nghề headhunter cách đây 9 năm. Ở tuổi 30, công việc của chị khi đó là tìm kiếm ứng viên, khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, gặp gỡ, phỏng vấn và kết nối các cơ hội nghề nghiệp với các ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, suốt mấy tháng thử việc, nỗ lực làm việc nhưng chị vẫn chưa giới thiệu thành công được ứng viên cho một đặt hàng nào của khách hàng. Áp lực nghỉ việc từ phía ban lãnh đạo công ty nhưng muốn theo đuổi nghề nên chị Vân xin thêm thời gian thử thách.
Hai tháng sau, chị thuyết phục được một ứng viên đầu quân cho vị trí quản lý một công ty du lịch, sau khi đã tiếp xúc và phỏng vấn gần 100 ứng viên trên thị trường trong mảng đó. Tưởng đã thành công nhưng cuối cùng hai bên lại không thỏa thuận được mức lương, và “thương vụ” lại thất bại. Lần thứ hai cấp trên đề nghị chị Vân nghỉ việc hoặc chọn một vị trí thấp hơn vì nghĩ rằng chị không phù hợp với nghề này với mức lương thấp hơn mức lương khởi điểm rất nhiều. Đứng trước việc chấp nhận nghỉ việc đồng nghĩa với việc thất bại trong khi vẫn rất yêu thích công việc này, chị chấp nhận mức lương đó và tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp.
Chỉ sau đó 3 tháng chị đã chứng minh được cho công ty và sếp năng lực của mình bằng việc tuyển được liên tiếp 3 vị trí giám đốc của một công ty nước ngoài đang tiến hành cải tổ tại Việt Nam. Chị Vân Lê tự hào hỗ trợ được khách hàng tuyển được những con người kiến tạo nên sự thay đổi, và nhận được lời khen của Tổng giám đốc công ty khách hàng. Hiện chị là một trong những quản lý cấp cao trong ngành tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ của một công ty tư vấn lớn hàng đầu Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Hà
Nguồn tin: Báo VnExpress