Hàng sáng, tàu thuyền ngư dân Quảng Nam chở đầy hải sản cập bờ sau một đêm đánh bắt. Các chủ lò hấp cá thu mua và nhanh chóng đưa vào xưởng hấp. |
Một thợ hấp cá cho hay, sau khoảng 10 phút cá chín sẽ được đưa khỏi lò, hơi nước tỏa nghi ngút. Bằng kinh nghiệm người thợ sẽ chọn đúng thời điểm để cá không bị sống, ảnh hưởng đến chất lượng. |
Cá hấp chủ yếu là cá nục, cá trích, cá cơm. Nghề hấp cá ở Quảng Nam tập trung các xã ven biển Duy Nghĩa, Duy Hải, huyện Duy Xuyên và xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. |
Nghề hấp cá vào vụ từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. “Khi nào nắng nóng thì mới đỏ lửa lò hấp. Cá sau đó được mang phơi, lật liên tục trong khoảng 3 ngày cho khô, rồi đóng gói mang bán", anh Nguyễn Văn Bảo, xã Duy Nghĩa chia sẻ. |
“Trừ chi phí đầu tư, tiền nhân công, mỗi vụ hấp cá thu về lãi ròng vài trăm triệu đồng”, chị Hồ Thị Liên, chủ cơ sở hấp cá lớn nhất xã Bình Minh, cho biết. |
Ở xã Bình Minh có 4 lò hấp cá hoạt động, ngày nhiều tiêu thụ tới 15 tấn. Một tấn cá tươi sau khi hấp, phơi sẽ thu về gần 3 tạ cá khô. |
“Mỗi kg cá nục, cá trích tươi mua giá 12.000 đồng. Sau khi phơi khô, phân loại bán ra 47.000 đồng với loại 1; 20.000 đồng cho loại 2 và 3”, chị Liên nói. |
Cá thành phẩm được vận chuyển lên vùng núi trong nước tiêu thụ và thu gom xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào và Campuchia. |
Tận dụng các bãi biển hoang vắng, các xưởng cá đóng cọc làm giàn để phơi. Mỗi cơ sở thu hút 30-50 lao động với tiền công làm việc một ngày từ 170.000 đến 250.000 đồng. |
“Nhờ vào nghề cá hấp này mà cuộc sống nhiều gia đình cũng khấm khá hẳn lên. Tôi không còn phải đi các nơi khác tìm kiếm việc làm”, bà Phan Thị Minh bộc bạch.
Tác giả: Đắc Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress