Kinh tế

Nghệ An phát động nhân dân ra đồng diệt chuột

Vụ đông 2016, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) gieo trồng 1.500ha ngô, 437ha lạc và 300ha rau màu. Từ giữa tháng 9, hàng trăm ha cây trồng vụ đông bị chuột phát sinh, gây hại...

Nông dân Nghi Kiều ra đồng diệt chuột


Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân ra quân diệt chuột.

Đến thời điểm đầu tháng 11, một số diện tích ngô đông đã ra bắp và hạt non; cây lạc đang thời kỳ ra hoa, tạo củ; rau màu đang thời kỳ phát triển. Theo người dân địa phương, cùng với thời điểm mưa to kéo dài gây ngập úng giữa tháng 9 và đợt mưa gần đây khiến cây trồng sinh trưởng, phát triển kém, chuột đồng cũng phát sinh gây hại trên diện rộng.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm 11, xã Nghi Mỹ cho biết: “Hai sào ngô đông của gia đình tôi đang thời kỳ ra hạt non thì bị chuột cắn phá nghiêm trọng, đặc biệt sau đợt mưa đầu tháng 11 thì chuột xuất hiện nhiều hơn. Trước mắt, chỉ biết ra đồng diệt chuột bằng phương pháp thủ công để hạn chế chuột phá hại, bảo vệ cây trồng. Không hiểu vì sao năm nay chuột đồng nhiều thế?”.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng trên cũng đang diễn ra tại một số xã như Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Văn... (Nghi Lộc) và một số xã của huyện Diễn Châu.

Theo ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu, chuột đã phát sinh, gây hại trên cây ngô với diện tích khoảng 10ha.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp các địa phương đã tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương phát động nhân dân ra đồng diệt chuột bằng các hình thức thủ công như: Phát quang bụi rậm, đào các hang chuột, đổ nước vào hang, hun khói, đặt bẫy, bả ban đêm để diệt chuột; phát động toàn dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột với khẩu hiệu “nhà nhà diệt chuột”.

Ngô đông Nghi Lộc bị chuột phá hại


Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Để bảo vệ cây trồng, chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện diệt chuột đúng phương pháp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm; hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học, nghiêm cấm dùng lưới điện để chăng bẫy chuột.

Bên cạnh việc diệt chuột, người dân cần chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và tổ chức tốt việc thu gom, tiêu hủy xác chuột chết ở nơi xa khu dân cư, trường học, nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, các hộ nông dân cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch rơm rạ, thường xuyên phát cỏ bờ để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột”...

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP