Kinh tế

Nghệ An phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2020

Trong đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu 1,2 tỷ USD vào năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 850 - 900 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ bây giờ, tỉnh Nghệ An và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải có sự định hướng và xây dựng các giải pháp để thực hiện có hiệu quả.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, dệt may là nhóm hàng xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2011, mặt hàng này mới chỉ đạt xấp xỉ 4,6 triệu USD thì đến cuối năm 2015 đã đóng góp hơn 98 triệu USD, chiếm gần 1/7 giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ một loạt dự án dệt may trong và ngoài nước đầu tư vào Nghệ An chính thức hoạt động.


Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, đến cuối năm 2015 đã đóng góp hơn 98 triệu USD

Ông Phan Duy Hùng – Phụ trách công tác Truyền thông và đối ngoại Chi nhánh VCCI Nghệ An nói: Rõ ràng là muốn tăng giá trị xuất khẩu phải thu hút các dự án về. Đây không chỉ là lựa chọn của Nghệ An mà của rất nhiều địa phương khác. Chúng ta phải chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Nghệ An hiện có gần 300 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu tại gần 100 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều dễ nhận thấy là sản phẩm xuất khẩu của Nghệ An rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, năng lực xuất khẩu của hầu hết các doanh nghiệp còn nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu.


Các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Nghệ An, hiện nay cũng chưa thể chủ động tạo ra nguồn cung lớn để phục vụ cho các thị trường

Toàn tỉnh mới có một vài doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu trên 50 triệu USD. Ngay như các mặt hàng nông sản – vốn là thế mạnh của Nghệ An, hiện nay cũng chưa thể chủ động tạo ra nguồn cung lớn để phục vụ cho các thị trường. Ông Trần Anh Sơn – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội DNTB Nghệ An cho rằng: Hiện nay, chúng ta chủ yếu là thu mua ở các tỉnh bạn để về chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, vào TTP, AEC nguồn gốc xuất xứ, đòi hỏi phải rõ ràng. Đây rõ ràng là một thách thức, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải liên kết lại để tạo nền tảng xuất khẩu một cách bền vững.


Vật liệu xây dựng là một trong 9 nhóm hàng hóa xuất khẩu của Nghệ An giai đoạn 2016-2010

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Nghệ An tiếp tục xác định 9 nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu gồm: sản phẩm gỗ; sản phẩm nông, lâm sản, hoa quả chế biến; sản phẩm thuỷ, hải sản; sản phẩm khoáng sản chế biến; sản phẩm dệt, may; sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; điện tử; đồ chơi trẻ em; vật liệu xây dựng. Trong đó, chú trọng việc tăng giá trị hàm lượng sản phẩm nội tỉnh. Bà Võ Thị An – Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong đề án đã có những giải pháp cụ thể. Thứ nhất, chúng ta phải quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng trọng điểm để phát triển nguồn hàng. Thứ hai, phải tích cực kêu gọi đầu tư, đặc biệt ưu tiên cho các dự án đầu tư sản xuất ra hàng xuất khẩu. Thứ ba, phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm của tỉnh.


Các dự án hạ tầng khu công nghiệp – dịch vụ đang được đầu tư xây dựng sẽ là một thuận lợi cho tỉnh Nghệ An thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Bên cạnh những thách thức, Nghệ An cũng đang có nhiều lợi thế khi nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp – dịch vụ đang được đầu tư xây dựng, như VSIP, Hemaraj. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là những thuận lợi để tạo sức hút cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng xuất khẩu và đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Tác giả bài viết: Thái Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP