Nông dân Nghệ An khôi phục sản xuất sau mưa lụt.
Làng rau Vinh Xuân (xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) rộng 40 ha, không đủ cung ứng cho nhu cầu rau xanh của người dân thành phố. Sau đợt mưa lũ kéo dài, dù không phải là địa phương vùng trung tâm lũ nhưng toàn bộ diện tích rau màu ở đây gần như mất trắng. Cả cánh đồng chỉ nhìn thấy sự tan hoang bởi những tấm lưới rách tơi tả, giàn chống đỡ đã bị gió quật gãy, những luống rau mầm nát bấy.
Mưa lụt khiến nhiều diện tích rau bị hư hại, không còn khả năng phục hồi.
Anh Phó Đức Thể (xóm Vinh Xuân) dùng tay cào số rau mầm, gom lại chuyển lên bờ. “Mỗi luống cải mầm này thu hoạch cũng cả triệu bạc chứ chẳng ít. Còn 1-2 ngày nữa có thể thu hoạch được mà trời không cho ăn. Mưa lớn, rau dập nát, cộng với ngâm nước 2 ngày nữa nên thối hẳn, không thể phục hồi được, phải dọn để trồng lứa mới. Nếu dọn không sạch số rau hỏng này thì gieo đợt mới rau cũng khó phát triển”, anh Thể thở dài.
Người dân đành phải nhổ bỏ toàn bộ rau bị hư hại để sản xuất lứa mới.
Dọn xong số rau hỏng, anh Thể và vợ cuốc đất, gieo lứa rau mới. Đất pha cát, ướt nước nên sức bỏ ra cũng nhiều hơn ngày thường bởi bết dính cả bùn. Vãi giống xuống, lại phải thêm một công đoạn phủ đất đã được đập nhỏ lên bề mặt. “Mất tiền bạc, tốn thêm công sức so với sản xuất bình thường. Nếu không có đợt mưa lụt vừa rồi thì số hạt giống này cũng không bị lên mầm tốt thế này. Không gieo kịp, mầm tốt quá, vãi xuống đất khéo lại hỏng cả, thiệt đơn thiệt kép…”, anh Thế lí giải thêm.
Mưa lớn cũng khiến nhà lưới sản xuất rau bị đổ gãy, hư hỏng.
Bà Nguyễn Thị Văn (xóm Đông Vinh) thiệt hại 2 sào rau trong đợt mưa lũ vừa qua. Tính riêng tiền giống đã mấy triệu đồng, chưa kể tiền phân, tiền công.
“Nghề trồng rau lấy ngắn nuôi dài, giờ hỏng hết cả rồi, coi như mất trắng. Thấy ti vi thông báo chuẩn bị có bão nhưng ngồi ở nhà thì lấy gì mà sống. Có nắng thì phải ra đồng lật đất mà trồng vụ mới. Vừa xuống giống lứa rau mới, vừa phấp phỏng lo bão vào”, bà Văn chép miệng.
Rau mầm trồng và thu hoạch trong vòng 7 ngày, bởi vậy, nhiều hộ dân “làm liều”, thấy hết mưa lập tức ra đồng để trồng lứa mới. Còn các hộ sản xuất rau dài ngày như rau mùi, xà lách, cải… chưa dám “đánh cược” với trời khi thời tiết vẫn đang có những diễn biến thất thường như hiện nay.
Nông dân xuống đồng khôi phục sản xuất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, toàn tỉnh có 1.763 ha lúa, hơn 8.000 ha ngô và rau màu các loại bị ngập; diện tích nuôi cá, tôm bị ngập, ảnh hưởng lên tới gần 2.300 ha. Trong đó, tại huyện Diễn Châu, khoảng 3.000 ha cây trồng vụ đông bị ngập trong nước, hơn một nửa khó có khả năng phục hồi. Mưa lớn cũng đã khiến 5.000 ha rau màu vụ đông cùng 30 ha nuôi tôm vụ 3 ở Nghi Lộc bị mất trắng…
Tỉnh Nghệ An cũng đã huy động lực lượng vũ trang và các cơ quan, đoàn thể động viên, giúp đỡ nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại theo phương châm xanh nhà hơn già đồng trước khi bão đổ bộ vào. Đồng thời có phương án bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, huy động máy bơm, khơi thông dòng chảy, nhanh chóng tiêu úng để “cứu” diện tích rau màu vụ đông cho bà con nông dân.
Thời điểm hiện tại, Nghệ An không còn mưa, tuy nhiên, một số công trình hồ đập chứa nước đang ở mức dự báo tràn. Các trạm bơm tiêu, cống tiêu chính đã được vận hành hết công suất để tiêu nước, chống ngập úng vùng hạ du.
Một số địa phương vùng hạ du sông Lam đoạn qua Hưng Nguyên, Nam Đàn vẫn đang bị chia cắt do nước sông đang có xu thế dâng cao (ảnh Trọng Thưởng).
Mực nước lúc 18h ngày 16/10/2016 trên sông Cả tại Nam Đàn 5,6m, trên mức báo động I 0,2m, đang có xu thế lên. Một số địa phương thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương vẫn đang bị nước lũ chia cắt.
Mưa lũ cũng khiến 2 người tại Nam Đàn và Yên Thành thiệt mạng, gần 3.000 hộ dân bị ngập, 3 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn...
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: