Kinh tế

Nghệ An giải quyết việc làm mới cho 38.000 người năm 2017

Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu năm 2017, sẽ giải quyết việc làm mới cho khoảng 38.000 người, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 59%.

lao dong nghe an
Giáo dân Trần Văn Dương (bên phải) hướng dẫn người lao động tại xưởng mộc của gia đình tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tại Nghệ An, giải quyết việc làm cho lao động là vấn đề rất khó, kể cả cho những đối tượng đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Nguyên nhân do trên địa bàn tỉnh, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ít, trong khi hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ra là rất lớn, vượt quá nhu cầu.

Mặt khác, tại các vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi, số lao động chưa qua đào tạo nhiều. Thực tế, hàng năm rất đông lao động của Nghệ An đã phải đi tìm việc làm ở các tỉnh miền Nam, Hà Nội hoặc đi theo con đường xuất khẩu lao động.

Nghệ An cũng đã xây dựng một số mô hình giải quyết việc làm cho lao động ở các vùng nông thôn, nhưng chất lượng chưa cao.

Đơn cử, mô hình làm nấm, sản xuất mây tre đan dành cho lao động bị mất việc làm do thu hồi đất tại các xã Nghi Xá, Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc). Đây là mô hình được tỉnh và huyện Nghi Lộc đầu tư, với hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất được hỗ trợ miễn phí học nghề làm nấm, sản xuất mây tre đan; ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở làm nấm, sản xuất mây tre đan, hứa hẹn bao tiêu sản phẩm.



Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm không ổn định; kỹ thuật sản xuất và tay nghề người lao động chưa cao nên mô hình đã thất bại, rất nhiều lao động không thể theo nghề, trở nên thất nghiệp. Không chỉ riêng xã Nghi Xá và Nghi Hợp mà tình trạng này đang tồn tại ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Khắc phục tình trạng trên, Nghệ An đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo mới việc làm cho lao động. Tỉnh quy hoạch, phân vùng cụ thể các đối tượng cần giải quyết việc làm để xây dựng chính sách, thực hiện hợp lý các mô hình giải quyết việc làm.

Đối với người trong độ tuổi lao động ở các vùng nông thôn chưa qua đào tạo, tỉnh khuyến khích học nghề để tìm kiếm việc làm hoặc cho vay vốn ưu đãi để đi xuất khẩu lao động; với số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo, tỉnh định hướng cụ thể những ngành nghề mà địa phương đang cần…

Tỉnh cũng đầu tư, nâng cấp mạng lưới các trường dạy nghề; mời gọi, thu hút đầu tư các dự án để giải quyết việc làm cho lao động.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2020, tại địa phương sẽ có khoảng 167.160 người cần được giải quyết việc làm. Nhu cầu học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp là 74.300 người; trong đó có khoảng 59.600 học sinh THPT và THCS, 8.500 bộ đội xuất ngũ, 6.200 học sinh đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm phải chuyển sang học nghề (lao động kỹ thuật).

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP