Xin ông cho biết một vài thông tin về dịch bệnh zika cũng như diễn biến phức tạp của dịch Zika hiện nay.
Bác sĩ Lê Thanh Hà: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền có thể gây thành dịch. Virút Zika thuộc họ Arbo virút do Falaviridae. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi mang vi rút Zika đốt từ người bệnh truyền vi rút sang người lành. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes, chủ yếu là muỗi Aedesaegypti (muỗi vằn). Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. 20% có biểu hiện lâm sàng nhẹ như sốt phát ban trên gia, viêm kết mạc mắt, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi và đau đầu. Những bà mẹ mang thai nếu mắc virut Zika, thì trẻ sinh ra có thể bị hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh. Cho đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Việt Nam đã chính thức công bố 2 trường hợp dương tính virút Zika. Như vậy, chúng ta nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Vậy ông có thể cho biết, ngành Y tế dự phòng đã và đang có kế hoạch và biện pháp để phòng chống sự lây lan của vi rút này?
Bác sĩ Lê Thanh Hà: Ngành Y tế đã tham mưu chi UBND tỉnh ban nhành các văn bản chỉ đạo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch Zika; Thành lập các đoàn công tác của tỉnh để thực hiện chỉ đạo kiểm tra các địa phương về phòng chống dịch bệnh; Tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện, phường, xã về giám sát phòng chống dịch bệnh Zi ka và chẩn đoán và điều trị virut Zika; Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu biết về tình hình dịch bệnh Zika và cách phòng bệnh Zika.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Zika có yếu tố dịch tễ liên quan: Kiểm dịch y tế biên giới giám sát tạo các cửa khẩu; nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh đầu tiên; Theo dõi sức khỏe những người trở về từ vùng dịch trong vòng 12 ngày để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng để kịp thời xác định ca bệnh đầu tiên; Giám sát trọng điểm tại các vùng trọng điểm có nhiều muỗi truyền dịch sốt xuất huyết và virut Zika như huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai, Huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên; huy động các ban ngành đoàn thể xã hội, trường học cùng vào cuộc vận động toàn thể nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng; bệnh viện sẵn sàng thu dung và cách ly điều trị bệnh nhân; sẵn sàng trang thiết bị, hóa chất để phun, diệt muỗi khi có dịch Zika xảy ra.
Thưa ông, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng nằm ở vùng nhiệt đới ẩm và hiện nay đang là mùa phát triển sinh sôi của muỗi. Vậy, những khó khăn trong phòng chống dịch ở vùng đặc thù nêu trên như thế nào?
Bác sĩ Lê Thanh Hà: Hiện nay, nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh chưa cao, cơ bản vẫn còn ỷ lại vào y tế trong công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt lăng quăng bọ gẫy tại cộng đồng. Thêm nữa, ở nhiều vùng, nhất là vùng nông thôn, miền biển người dân còn chủ quan với dịch bệnh với thói quen ngủ ban ngày không mắc màn, còn có nhiều dụng cụ chứa nước thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển.
Ngoài trách nhiệm của ngành Y tế, thì ông có đề xuất gì về sự phối hợp vào cuộc về phòng chống dịch bệnh Zika của các cấp chính quyền, các ban ngành và có khuyến cáo gì với người dân?
Bác sĩ Lê Thanh Hà: Theo tôi việc phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch Zika nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy rất mong các cấp và các ban ngành phối hợp với ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh Zika. Đặc biệt, trong công công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bảo vệ mình và gia đình người thân hạn chế để muỗi cắn. Chúng tôi cũng khuyến cáo với người dân không nên hoang mang với dịch bệnh này. Nhất là phụ nữ mang thai. Khi phụ nữ mang thai nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, xét nghiệm và siêu âm thai. Những phụ nữ có thai không nên đến những nơi đang có dịch virút Zika xảy ra.
Người dân khi đi đến các những vùng có dịch virút Zika về có những biểu hiện nghi ngờ về bệnh như: sốt cao, phát ban trên da, viêm kết mạc mắt, đau cơ, đau xương, đau khớp mệt mỏi và đau đầu phải đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và cách ly điều trị; Tham gia vào chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gẫy tại hộ gia đình và cộng đồng để phòng chống dịch bệnh Zika.
Tác giả bài viết: Hoài Thanh – Thanh Hoa