Trước năm 2009, chợ Giát của huyện Quỳnh Lưu hoạt động trong điều kiện hết sức chật hẹp, nhếch nhác, các hộ kinh doanh thường tràn ra đường để kinh doanh, buôn bán. Năm 2009, thực hiện chủ trương xã hội hóa, chợ Giát đã được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý.
Chợ Giát đã được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý từ năm 2009
Với sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng của chợ ngày càng khang trang, hiện đại, thu hút được hơn 820 hộ vào kinh doanh, buôn bán. Việc đóng góp ngân sách của chợ cũng tăng lên, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ - Ông Nguyễn Văn Quý - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nói.
Chợ Giát đã thu hút được 820 hộ vào kinh doanh
Chợ Giát chỉ là một trong số ít chợ ở Nghệ An được chuyển đổi, hoạt động có hiệu quả, hiện nay nhiều địa phương, việc chuyển đổi từ chợ truyền thống sang chợ do Hợp tác xã quản lý vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như chợ Phong Toàn ở Phường Hà Huy Tập - TP Vinh. Chợ được xây dựng trên diện tích 6.000m2, gồm 2 tầng với 400 quầy, ốt, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 20 tỷ đồng do các tiểu thương của Hợp tác xã này đóng góp bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 150 quầy, ốt thuê kinh doanh, buôn bán, còn lại là bỏ không gây lãng phí lớn.
Chợ Phong Toàn được xây dựng trên diện tích 6.000m2, gồm 2 tầng với 400 quầy, ốt, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 20 tỷ đồng...
Tính từ năm 2007 cho đến nay, Nghệ An chỉ mới chuyển đổi được 16 trong số hơn 400 chợ phải chuyển đổi mô hình quản lý. Trong đó, có 7 chợ do Hợp tác xã quản lý và 9 chợ do doanh nghiệp quản lý, chiếm 4% tổng số chợ đang hoạt động trên địa bàn. Bà Võ Thị An - Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ, khi ban hành quy trình quy chế đấu thầu quy định phương thức đấu thầu, quy tắc đấu thầu mà chưa đưa ra được quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ khi bắt đầu xây dựng kế hoạch phương án chuyển đổi cho đến khi đấu thầu. Các chợ truyền thống hiện nay đang giao cho tổ quản lý hoặc cá nhân để chuyển đổi sang mô hình quản lý của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì các cá nhân tổ quản lý hiện nay không mong muốn.
...Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 150 quầy, ốt thuê kinh doanh, còn lại là bỏ không
Theo mục tiêu của Đề án “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, đến năm 2020 sẽ hoàn thành chuyển đổi 50% số chợ trên địa bàn sang mô hình doanh nghiệp, Hợp tác xã khai thác, kinh doanh và quản lý. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân. Có như vậy, Nghệ An mới sớm hoàn thành chủ trương chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ.
Tác giả bài viết: Hoàng Hiếu - Chu Quý - Ngọc Mai
Nguồn tin: