Tôi là dâu mới, mới tinh luôn. Không hiểu sao tôi lại cãi lời mẹ và chị, một hai đòi cưới chồng ngay trong tháng 12. Mẹ tôi nói cứ thong thả ăn thêm cái Tết nữa rồi sang năm hãy làm dâu con ạ. Nhưng tôi cãi lại, tôi quá chán những câu hỏi liên quan đến chồng con mà các bác các dì vây quanh tôi những Tết xưa. Vả lại, giờ nhà trai đòi cưới, làm cao không cưới, qua sang năm không cưới nữa thì có mà lỡ duyên cả đời.
Thế là tôi thành cô dâu vào giữa tháng 12 âm lịch, và bây giờ thì là con dâu trong gia đình đại đồng đường 4 thế hệ. Trên chồng tôi còn có hai chị gái nhưng nhà chỉ có mỗi anh là trai nên tôi cũng xác định trước là năm nay sẽ khổ. Mà khổ thật, khổ hơn tôi tưởng tượng nhiều.
Mới cưới về tôi đã bị mẹ chồng tịch thu hết tiền còn dư sau thu chi đám cưới vì lý do: "Để lo Tết nhất năm nay". Thôi thì cắn răng đưa hết gần 20 triệu đồng và nghĩ rằng chắc cũng không phải đưa thêm nữa. Nào ngờ, 24 âm lịch, mẹ chồng bảo chở bà đi chợ. Mua đủ thứ và hôm đó "mẹ quên đem tiền nên con cho mẹ mượn". Không lẽ mua đồ cúng ông bà lại đòi lại tiền nên tôi chẳng nói gì tới chuyện tiền nong nữa.
Trên chồng tôi còn có hai chị gái nhưng nhà chỉ có mỗi anh là trai nên tôi cũng xác định trước là năm nay sẽ khổ. (Ảnh minh họa) |
27 Tết, mẹ chồng bảo hai vợ chồng đi mua hoa và nhớ lựa thêm vài cành đào đẹp đẹp về chưng bàn thờ ông bà. Tôi cố ý chần chừ xem thử mẹ có đưa tiền không bởi hoa bây giờ không rẻ. Mãi gần nửa tiếng sau, chồng thì hối, mẹ thì dửng dưng nên tôi đành bấm bụng đi không. Thế là tiền hoa mất thêm hơn triệu bạc.
Chiều đó, mẹ chồng lại bảo tôi đưa đi mua quà bánh biếu Tết mấy nhà người thân. Lựa chọn toàn những món quà đắt tiền nhưng số tiền bà đưa tôi chỉ chưa được một nửa. Lý do là thế này: "Mẹ hùn tiền với con nhưng khi đi biếu, mẹ vẫn nói là quà của riêng con thôi. Dâu mới cũng nên ra mắt họ hàng con ạ". Thấy mẹ nói cũng có lý nên tôi gật đầu liền. Thế nhưng khi đem tới biếu, bà toàn nói: "Tôi mua, tôi chọn, chứ nó mới về làm dâu, đã biết cái gì đâu…". Ức chế lắm nhưng biết nói làm sao, không lẽ mẹ chồng đang nói mà xía vào: "Tiền của con đến 2/3 trong ấy đó ạ".
Mà cũng không biết số tiền tôi đưa mẹ chồng làm gì mất mà từ cái bánh cái kẹo, từ món mực, món bò, thịt heo, dưa hành đều do một tay vợ chồng tôi chi. Tiền thưởng Tết của tôi năm đó ra đi một cách thê thảm.
Mùng Một Tết, nói thật chứ vợ chồng tôi chỉ còn hơn 2 triệu chơi Tết. Chưa có năm nào tôi thảm như năm nay. Đúng là lấy chồng, làm dâu sát Tết là một sai lầm lớn. Tôi bỏ phong bì mừng tuổi bố mẹ chồng và bố mẹ tôi mỗi người 100 ngàn. Lúc đưa, mẹ chồng tôi mở ra xem ngay trước mặt và có một "cái bĩu môi thần thánh" mà tôi không thể quên được. Sau đó, bà dặn tôi là mừng tuổi cháu nhớ nhiều nhiều một chút chứ ít là khó coi lắm.
Tôi khóc. Khóc ngay mùng Một Tết âm lịch chỉ vì 50 ngàn đồng. (Ảnh minh họa) |
Nghe vậy, tôi rút hết mấy tờ 20 ngàn trong phong bao ra và thay bằng tờ 50 ngàn. Không biết mọi người nghĩ sao chứ ở quê tôi vậy là nhiều lắm rồi, thông thường người trong nhà chỉ mừng tuổi cháu 20 ngàn, người lạ thì 10 ngàn thôi.
Tôi đưa cho hai đứa cháu của hai chị chồng. Chúng vô tư lột ra lấy tiền ngay trước mặt vợ chồng tôi. Mẹ chồng tôi lên tiếng: "Cô mừng tuổi mấy đứa bao nhiêu?". Chúng hét lên: "Năm mươi ngàn bà ơi". Thế là mẹ chồng tôi khinh khỉnh nói: "Năm ngoái thằng G chưa lấy vợ, mừng tuổi mẹ được 500 ngàn, các cháu mỗi đứa 200 ngàn. Năm nay vợ nó mừng tuổi mẹ 100 ngàn tôi đã bực rồi, lại được các cháu có 50 ngàn. Sang năm không biết nó còn nhớ mừng tuổi cho bà già này không?".
Tôi đứng sững. Chồng và mấy chị tôi vội nói vài lời đỡ tôi. Nhưng cảm giác uất ức cứ trào lên cổ khiến tôi không chịu được. Tôi khóc. Khóc ngay mùng Một Tết âm lịch chỉ vì 50 ngàn đồng. Tôi không hề biết mấy năm chồng mình lại mừng tuổi nhiều như thế và tôi cũng không còn nhiều tiền. Vả lại lúc đó chồng tôi chưa vợ, tiền rủng rỉnh thì muốn lì xì bao nhiêu cũng được nhưng có vợ rồi thì phải khác chứ. Tôi có keo kiệt thật không mọi người? Rốt cuộc Tết lì xì bao nhiêu mới là đủ ạ?
Tác giả: L.M.P
Nguồn tin: helino.vn