Cuộc sống

Ngày gió lạnh về

Sáng thức dậy mở cửa, gió lạnh từ ngoài ùa vào ngập cả căn phòng nhỏ. Đêm qua Hà Nội mưa, sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh của mùa thu, không buốt giá nhưng cũng đủ để lòng có chút ngơ ngẩn suy tư.

Gió lạnh về, hun hút con ngõ nhỏ, thích nhất là được hưởng cảm giác gia đình sum vầy êm ấm, bên mâm cơm sốt dẻo, bên ấm trà nóng, bên chiếc ti vi, cả nhà cùng chuyện trò râm ran cởi mở.

Ảnh: H.T

Chợt nhớ tối qua, trước khi đi ngủ còn đọc được lời chúc sinh nhật của cô cháu gái gửi bố mình trên trang các nhân: “Chúc mừng sinh nhật bố yêu. Chúc bố sang tuổi mới sức khỏe dồi dào, lo kiếm tiền, yêu thương mẹ và các con như mọi ông bố khác. Gia đình sẽ luôn là nơi bố hạ cánh an toàn nhất bố ạ. Con ước mơ ngày hai bữa được nói “con mời bố ăn cơm”. Chuyện đó bình thường với mọi người mà sao nhà mình khó thế. Mẹ con con yêu bố nhiều. Hơi ấm của bố là niềm hạnh phúc của chúng con”.

Đọc mấy dòng của con trẻ, sao mắt cứ thấy cay cay. Cậu em họ tôi tình tính hiền lành phóng khoáng, chỉ có điều có chút tuổi rồi mà vẫn ham chơi, dù đã là cha của ba đứa con đang ở tuổi dậy thì. Cậu ham bạn bè, ham nhậu nhẹt, mỗi khi đã vui thì chẳng còn nhớ đường về. Những khi quá chén mà say, cậu chẳng đánh vợ chửi con, chỉ nằm vật vạ bất cứ chỗ nào có thể. Có nhiều hôm say đến mức bạn nhậu phải chờ về nhà trả cho vợ con mà chẳng hay biết gì. Mỗi khi tỉnh lại, nghe vợ càu nhàu, nghe ai đó kể lại, cậu chỉ cười hiền lành ra điều biết lỗi, nhưng rồi đâu lại vào đấy, như một thói quen khó bỏ.

Ba đứa con của cậu rất ngoan, chúng đã biết cảm nhận và suy xét, đã biết thương mẹ, đã biết mình mong muốn gì. Biết bố với gia đình, với con cái có thiếu chút quan tâm, nhưng trong câu chữ con viết ra, rõ ràng chỉ buồn thương chứ không hề hờn trách. Chúng thèm cảm giác sum vầy, ước cả nhà được quây quần trong mỗi bữa cơm. Mà những bữa cơm, đa số bố đều vắng nhà vì đang dở một cuộc vui đâu đó.

Mình làm cha mẹ, cứ nghĩ con trẻ chỉ biết ăn chơi chẳng biết gì. Cứ nghĩ mình cày cục kiếm tiền, cho con ăn, cho con học là đủ đầy trách nhiệm. Nhưng bọn trẻ, nó cũng có những suy tư. Ước mong của chúng nhiều khi giản dị thôi, như cô cháu gái của tôi, chỉ cầu mỗi bữa ăn có thể khoanh tay mời bố. Đơn giản thế thôi, chỉ một lời mời cho bữa cơm đầy đủ sum vầy cũng khó.

Gió lạnh về, nghĩ thời tiết cũng như đời người, hôm qua còn nắng nóng đó, chỉ sau một đêm đã lạnh đến co ro. Tâm trạng con người cũng hệt vậy, cười đó mà khóc đó, buồn vui cứ vậy xoay vòng không cách nào chế ngự hay kiểm soát được, nên dù muốn dù không cũng phải mở lòng mà đón nhận.

Mới hôm kia thôi, cô con gái tôi cầm chiếc áo cũ của mẹ lau bàn. Lau xong rồi, con cứ cầm chiếc giẻ lau suy tư bảo mẹ: “Làm quần áo khổ thật mẹ ạ. Lúc còn mới thì được người mặc, giặt sạch thơm tho. Khi có vết bẩn còn bị dùng thuốc tẩy đau đớn. Đến khi cũ rồi, người chẳng thèm mặc nữa, chỉ làm cái giẻ lau bẩn thỉu rách rưới”.

Tôi kinh ngạc nhìn con. Con gái tôi chưa đầy 6 tuổi. Ở cái tuổi ấy, tôi chỉ mong con đến bữa ăn nhanh một chút, ngủ cho tròn giấc, mỗi khi gió lạnh về đừng khò khè vì ngạt mũi. Tôi không mong đợi con suy nghĩ nhiều đến thế. Trẻ con, nó chỉ bé người, suy nghĩ nhiều khi vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta. Trẻ con như mầm xanh, như nụ hoa xinh, tưởng chỉ biết vô tư cười vui với nắng gió nhưng đôi khi vẫn biết rùng mình trước những cơn gió lạnh. Vậy nên đừng nghĩ trẻ nhỏ không biết gì mà đôi khi vô tình làm tổn thương chúng vì sự vô tâm vô tình của người lớn chúng ta.

Con luôn nói với tôi, làm người thật sướng, được ăn ngon, được mặc đẹp, được đi học, được đi chơi, không bao giờ lo bị giết thịt như các con vật. Đôi khi tôi nghĩ mình cũng nên học cách nhìn đời như con, nhìn những khó khăn vất vả đi qua đời mình một cách tích cực. Làm người, không ai suốt đời hạnh phúc, cũng không ai từ đầu đến cuối chỉ đắng cay. Ai rồi cũng có lúc trải qua những buồn, vui, khổ, hạnh. Chỉ là chúng ta chú ý quá nhiều đến khổ đau mà đã quên đi những lúc được vui.

Gió lạnh về, nhớ mẹ cha. Những bụi cây trước nhà mùa này chắc xao xác đầy lá rụng. Ngôi nhà rộng chỉ có hai ông bà già lủi thủi vào ra chắc hẳn càng thêm cô quạnh. Tóc cha đã ngả trắng một màu, chân mẹ đã bước đi không còn nhanh nhẹn. Khi xưa còn sống chung dưới mái nhà mẹ cha, không ít phen khiến cha mẹ buồn phiền vì trẻ con nông nổi. Giờ lớn rồi, có gia đình rồi, thỉnh thoảng ghé về nhà, tự cho mình đã khôn lớn, đã hiểu đời, đôi khi vẫn có đôi lời cáu gắt vì không cùng quan điểm. Thế nhưng, chỉ có con từng giận cha mẹ, chưa thấy cha mẹ giận con bao giờ, vẫn lo lắng, vẫn quan tâm, dù khi còn bé thơ hay cả khi tóc con trên đầu đã bắt đầu điểm bạc.

Gió lạnh về, sáng ra đường trong tấm áo len mỏng, thấy ở mái hiên bên đường có ông cụ che hờ tấm nón rách ngủ say. Ông ngủ hay chỉ nhắm mắt cho cảm giác đêm lạnh qua nhanh hơn? Với rất nhiều người, hạnh phúc đôi khi chỉ là có một chỗ để về nương náu. Vậy mà rất nhiều người bỏ tiền bỏ của xây nhà thật to rồi lại chỉ xem đó như là quán trọ. Họ chỉ mải mê với những cuộc vui vô tiền khoáng hậu của bản thân mặc cho tổ ấm của mình hắt hiu lạnh lẽo.

Ngày gió lạnh về, chỉ mong có một người dang tay ôm mình từ phía sau dặn dò “ra đường nhớ mặc thêm áo vào kẻo ốm”. Lâu lắm rồi, hình như người chẳng thể hiện thương yêu giống như vậy nữa. Hôn nhân lâu dài hình như khiến sự vô tâm cũng thành thói quen.

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP