Cuộc sống

Ngày bán vé số, đêm đi học, chàng trai bại liệt giờ là ông chủ thành đạt

Bị bại liệt 2 chân, anh Út vẫn miệt mài học và lao động. Năm 2006, anh được giới thiệu vào Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (xã Xuân Thới Thượng, H. Hóc Môn, TP.HCM). Từ đây, cuộc đời anh bước sang một trang mới...

Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, giám đốc trung tâm đưa chúng tôi dạo quanh trường. Ngoài 2 ký túc xá dành cho nam và nữ, Trung tâm còn có những phòng học nghề và cũng là những xưởng sản xuất. Chúng tôi ghé vào xưởng tranh ghép gỗ...

Ông chủ cơ sở tranh ghép gỗ

Người đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc là anh Nguyễn Văn Út (35 tuổi, quê Giồng Riềng, Kiên Giang). Út ngồi bên cạnh chiếc mô-tơ gắn đá mài.

Trên tay anh là mảnh gỗ nhỏ được đưa vào máy mài theo ý muốn. Trước mặt anh, một tấm ván trên đó có những nhúm gỗ gồm nhiều mảnh gom lại...

Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui

Út căm cụi làm việc. Thỉnh thoảng anh góp ý cho người bạn cùng cảnh ngộ những khuyết điểm cần tránh. Hiện nay, Út là cộng tác viên của trung tâm về ngành tranh ghép gỗ.

Út kể lại, anh sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm lên 3, sau một cơn sốt, 2 chân anh teo dần và bị bại liệt. Sống với cha mẹ đến năm 12 tuổi, Út cảm thấy mình cần phải làm để không phải sống nhờ vả vào một ai.

Ban ngày anh đi bán vé số và làm trong lò bánh tráng. Ban đêm anh đi học văn hóa cho đến hết lớp 6.

Anh Út đang chế tác tranh. Mỗi nhúm gỗ trên tấm ván là một bức tranh.

Cơ duyên đến với anh khi vào năm 2006, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang giới thiệu anh với trung tâm dạy nghề. Bước chân vào đây anh hết sức ngỡ ngàng vì chưa biết phải chọn nghề gì để học. Anh được gợi ý học tranh ghép gỗ.

Thế là anh miệt mài ngày đêm với những miếng ván, miếng gỗ con con và bằng ý tưởng sáng tạo của mình cho ra những tác phẩm được thầy cô, bạn bè hài lòng.

Được 3 năm, Út thành nghề. Trung tâm giữ Út lại làm cộng tác viên. Trong thời gian học và làm tại trung Tâm, Út đã xiêu lòng trước người bạn cùng cảnh ngộ là chị Phạm Thị Thủy (quê ở Lâm Đồng, đang học lớp kế toán).

Cuộc tình kéo dài được 2 năm, anh chị tiến đến hôn nhân. Út kể lại, ban đầu gia đình bên gái không đồng ý vì cả 2 đều là người khuyết tật. Thế nhưng đứng trước quyết tâm của đôi bạn trẻ, gia đình hai bên phải gật đầu.

Miệt mài bên một tác phẩm

Hiện nay, cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật rất hạnh phúc. Anh chị mở được một cơ sở tranh ghép gỗ ở gần trung tâm. Hàng ngày họ cùng nhau làm tranh. Anh vẫn đến trung tâm làm nhiệm vụ cộng tác viên hỗ trợ giáo viên chỉ vẽ thêm cho các bạn.

Cơ sở tranh ghép gỗ của anh Út - chị Thủy hoạt động đã nhiều năm nay. Nguồn thu cũng đủ cho vợ chồng sinh sống. Anh cho biết, anh không thuê mướn ai cả. Ngày thường vợ chồng cùng làm. Chủ nhật, ngày lễ các bạn trong trung tâm ra chung tay sản xuất. Hiện nay anh có 2 mối tiêu thụ tranh ghép gỗ do gia đình anh sản xuất là khu du lịch Đầm Sen và Suối Tiên.

Mơ ước nhỏ

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM qua 11 năm hoạt động đến nay đã đào tạo 12 ngành nghề phù hợp với dạng tật và trình độ văn hóa của học viên. Học tại đây, các học viên đều được nuôi ăn ở và chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi cho chúng tôi biết, từ năm 2006 đến 2016, trung tâm đã đào tạo được 208 khóa học với 2.719 lượt học viên. Số học viên tốt nghiệp đạt được là 2.195 được giải quyết việc làm ổn định 75,4%.

Anh Nguyễn Văn Út

Bà nói: "Các học viên sau khi học xong đều ổn định cuộc sống. Nhiều em đã có được gia đình riêng rất hạnh phúc.

Một số khác thành đạt hơn trở thành những nhân tố cốt cán trong các công ty, xí nghiệp. Cũng không ít các em nhờ sự hỗ trợ của gia đình lập được cơ sở làm ăn riêng. Các em đã quản lý được cơ ngơi của mình và đã có những thành công nhất định.

Điều làm chúng tôi vui nhất là các em đã 2 lần thực hiện chuyến trở về trung tâm thăm lại trường, thầy và bạn cũ. Các em đã có những lời tri ân khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Những thành quả của các em - những người kém may mắn - thật đáng khích lệ và trân trọng".

Một lớp hoa vải dành cho nữ khuyết tật

Bà chia sẻ thêm: "Hiện nay do nhiều lý do, còn lại khoảng 24.6% học viên chưa có việc làm. Chúng tôi có dự tính sẽ mở một cơ sở sản xuất thu nhận tất cả số học viên này vào làm việc.

Chúng tôi đang xin UBND TP.HCM cấp thêm đất, bên cạnh đó cũng rất cần đến sự quan tâm của các nhà hảo tâm để có điều kiện mở cơ sở giúp các em ổn định cuộc sống".

Bà Đinh Thị Hỏi, giám đốc Trung tâm trao đổi với phóng viên.

Cũng như bà, chúng tôi hi vọng cơ sở ấy sẽ sớm thành sự thật để những mảnh đời bất hạnh vơi bớt đi những vất vả thường ngày.

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP