|
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Định Ngọc Tuấn, cán bộ địa chính xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, hơn 10 ngày nay, ngao thương phẩm, ngao giấy nuôi của các hộ dân đến thời kỳ thu hoạch trên địa bàn xã chết với số lượng lớn, chưa rõ nguyên nhân.
Toàn xã Hải Lộc có khoảng 50ha/200ha, của 27/208 hộ dân, tương đương gần 1.000 tấn bị chết. Có nhiều hộ ngao chết từ 30 - 40%, cá biệt hộ bị chết đến 80%.
Bà Nguyễn Thị Lộc, trú tại thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc cho biết, vụ ngao năm nay nhà bà nuôi 3ha ngao giống và ngao thịt. Cuối tháng 11/2023, bà cùng chồng ra biển kiểm tra thì phát hiện ngao có hiện tượng bị chết, theo thời gian ngao càng chết nhiều và vỏ nổi trắng bờ biển.
3ha ngao với sản lượng dự kiến 100 tấn, nhưng đã bị chết hơn 70%, với mức giá thời điểm hiện tại, gia đình bà Lộc bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Ngao của các hộ dân tại xã Hải Lộc chết trắng biển, khiến người dân bị thiệt hại nặng. |
Theo bà Lộc, gia đình bà có kinh nghiệm trên 10 năm làm nghề nuôi gao, xưa ngao ít khi bị chết và nếu chết với tỷ lệ rất nhỏ. Vụ năm 2022, bãi ngao của gia đình bà Lộc cũng bị chết, thiệt hại khoảng gần 3 tỷ đồng.
Ngao chết với số lượng lớn, để không làm ảnh hưởng tới các bãi nuôi khác và làm sạch môi trường, bà Lộc phải bỏ ra 100 triệu đồng thuê người cào vỏ, dọn dẹp bãi, đưa vỏ ngao đi xử lý. Ngao chết bất thường khiến người dân bị thiệt đơn thiệt kép.
Vụ ngao năm nay, hộ bà Dương Thị Hiên, trú tại thôn Tân Lộc thả giống trên gần 2ha bãi nuôi.
Cùng cảnh ngộ với bà Lộc, cuối tháng 11/2023, bà Hiên phát hiện bãi ngao của mình bị chết bất thường và nay thì hơn 80% sản lượng ngao thương phẩm bị chết trắng bãi. Nhà neo người, ngao tại địa phương bị chết nhiều nên bà Hiên rất khó thuê được nhân công dọn dẹp, làm sạch môi trường cho bãi nuôi.
Ông Nguyễn Văn Bằng, trú tại thôn Tân Lộc thả 1 tấn ngao giống (150 triệu đồng) trên hơn 1ha bãi nuôi. Cũng giống nhiều hộ khác trong thôn, cuối tháng 11/2023 lại nay, ngao thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch của ông Bằng chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân. Ước thiệt hại khoảng gần 400 triệu đồng.
Phần lớn các hộ nuôi ngao đều phải vay mượn người thân, thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng để có tiền đầu tư. Việc ngao bỗng dưng chết trắng biển khiến nhiều hộ bị thiệt hại nặng và lâm vào cảnh nợ nần.
Khu vực bãi nuôi ngao của người dân xã Hải Lộc. |
Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Hậu Lộc cho biết, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Hải Lộc về việc xảy ra hiện tượng ngao chết, Huyện đã lập đoàn xuống hiện trường để kiểm tra thực địa, lấy mẫu nước và mẫu ngao chết tại các bãi gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Theo ông Toản, hiện tại nguyên nhân ngao bị chết tại xã Hải Lộc chưa được xác định. Tuy nhiên, theo nhận định của địa phương này, nguyên nhân khiến ngao chết có thể là do chế độ thủy văn thay đổi; lượng mưa ít so với trung bình nhiều năm dẫn đến nước vùng nuôi có độ mặn cao.
Ngoài ra, do thời tiết diễn biến bất thường cùng với việc nhiều hộ dân thả ngao với mật độ dày làm tăng khả năng cạnh tranh thức ăn làm ngao nuôi gầy yếu, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu với các yếu tố bất lợi của môi trường nước, gây nên hiện tượng ngao chết cục bộ. Nguồn nước và môi trường biển bị ô nhiễm cũng không loại trừ là nguyên nhân khiến ngao bị chết.
Ông Toản thông tin thêm, nếu ngao chết không rõ nguyên nhân hoặc do tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu thì người dân sẽ không được hỗ trợ. Trường hợp, kết quả xét nghiệm xác định ngao chết do dịch bệnh thì chính quyền phải công bố dịch, tiến hành thu gom, xử lý ngao chết theo quy định và sẽ đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi.
Tác giả: Xuân Chinh - Văn Thế
Nguồn tin: nguoiduatin.vn