Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Sơn |
Chia sẻ tại hội thảo "30 năm lan toả vốn FDI" do Bizlive tổ chức chiều 6/10, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, sau khoảng 20 năm từ năm 1997 đến 2016, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng khoảng 300 lần, từ con số vỏn vẻn khoảng một trăm tỷ đồng nay đã đạt tới 33 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội.
"Được thế này là nhờ doanh nghiệp FDI"
"Riêng năm 2016, tổng thu nội địa tỉnh đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.200 USD/người/năm) của tỉnh cũng cao hơn mức bình quân của cả nước. Để có được thành công đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp FDI", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, tỷ trọng của các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp vào xuất khẩu đạt trên 95%, sản phẩm “Made in Vietnam” sản xuất tại Vĩnh Phúc đã có mặt tại 20 nước trên thế giới.
"Có một điều chúng tôi rất tự hào là sang thị trường Mỹ, khi đi mua quần áo thì lại thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc. Hàng dệt may sản xuất tại tỉnh rất nhiều. Một sản phẩm khác là ghế ô tô thì toàn bộ chi tiết ghế xe đều sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, khi đề cập tới tác động lan toả của FDI thì đó chính là việc đưa sản phẩm ra quốc tế. Ngoài ra, FDI cũng có tác động vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 9%, còn lại là công nghiệp và dịch vụ. Tới năm 2010 công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho 33.000 lao động.
"Năm 1997, người đóng thuế thu nhập cá nhân ở tỉnh 100% là của người nước ngoài. Nhưng đến nay, tỷ lệ người đóng thuế là 60% đến từ người nước ngoài, 40% của người Việt Nam. Tác động lan toả đã đến từng người Việt Nam chứ không chỉ nhìn chung ở nền kinh tế", ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành cho biết tỉnh đến giờ thanh niên không làm nhiều trong khu vực nông nghiệp nữa. Trước đây mức lương phổ biến là 1 đến 2 triệu/tháng, nhưng hiện giờ mức lương 3-4 triệu/tháng cũng khó tuyển lao động ở Vĩnh Phúc.
"Như vậy, người dân bắt đầu được hưởng thành quả đó và các doanh nghiệp nhỏ của Vĩnh Phúc cũng bắt đầu bắt nhịp được. Họ cũng đã có sự quyết tâm. Trước đây cùng lắm chỉ có một vài nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI nhưng chỉ làm thùng bìa thôi. Nhưng mà đến giờ doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp 1 thì xuất hiện rất nhiều. Kinh nghiệm, công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi", Phó Chủ tịch Vĩnh Phúc nói khi đề cập tới tác động lan toả từ khi vực FDI.
Không thể để doanh nghiệp tự bơi
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng cần phải nhìn lại những bất cập, hạn chế để thay đổi cho tốt hơn.
"Chúng tôi chỉ nhìn theo phương diện địa phương nhưng ở Vĩnh Phúc, nếu cứ tiếp tục thu hút FDI thì sẽ nhìn thấy nền kinh tế không ổn định", ông Thành nói.
Lý giải về điều này, ông Thành cho biết, với việc nhà đầu tư nước ngoài nộp 1 tỷ đồng tiền thuế, họ sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước cũng vậy. Tuy nhiên, 4 tỷ của doanh nghiệp Việt sẽ vẫn ở lại Việt Nam, nhưng 4 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển về nước của họ.
"Nếu chúng ta không có cách chăm sóc, có thái độ với FDI thì tính bền vững, việc cải thiện đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay những chính sách hỗ trợ đã thành luật nhưng thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi", ông Thành cho biết.
Ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia đặt ra một số vấn đề về chuyển giá, chuyển giao công nghệ trong việc thu hút vốn FDI. Theo ông, nghiên cứu của đơn vị này thu thập được năng suất và hiệu quả của khối FDI thấp hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Chính vì thế, ông đặt vấn đề về chuyển giá khi nguồn lợi nhuận của các doanh nghiệp này được chuyển ra nước ngoài.
"Nếu chúng ta để doanh nghiệp nhỏ và vừa “tự bơi” thì họ sẽ không thể làm được. Nhà nước nên thành lập các trung tâm hỗ trợ họ. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Samsung rất hay. Samsung hỗ trợ doanh nghiệp M&A, làm chủ công nghệ đó. Nếu như vào không đáp ứng yêu cầu thì sẽ bỏ tất cả các khoản ưu đãi", ông Khôi nói.
Theo ông Khôi, ở Việt Nam vấn đề hậu kiểm còn lỏng lẻo, hưởng ưu đãi rất nhiều nhưng không đáp ứng được tỷ lệ nội địa hoá. Cần phải xem xét lại vấn đề này. Còn ở Trung Quốc, 70% sản lượng chiếm hàm lượng công nghệ cao. Kể cả rất nhiều nhà máy nhiệt điện than Trung Quốc đóng cửa di chuyển sang nước khác.
"Ở Trung Quốc, tất cả các doanh nghiệp muốn vào quốc gia này đều buộc phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước và sử dụng các công ty trong nước. Tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo", ông nói.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí