Trong nước

Ngân sách khó khăn: Năm 2018, sẽ chỉ bố trí mua xe cho cấp bộ trưởng trở lên

Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi.

Tại phiên họp buổi chiều ngày 23/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.

Ngân sách Trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp

Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương khó được đảm bảo.

Xem xét về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, Ủy ban TCNS cho biết, thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán.

Bên cạnh nguyên nhân theo báo cáo của Chính phủ là do tiến trình cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN, Ủy ban TCNS cho rằng, còn do khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế.

Ngoài ra, nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau thuế, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và thu xổ số kiến thiết, thì số thu nội địa có thể còn giảm so với dự toán.

"Số thu nội địa giảm đã phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác là do số thu từ khu vực sản xuất giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn", Uỷ ban TCNS cho biết.

Về chi ngân sách Nhà nước, Chính phủ ước thực hiện chi cả năm tăng 1,7% so với dự toán. Ủy ban TCNS đề nghị lưu ý một số vấn đề như việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt. Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm so với cùng kỳ.

"Đây là năm thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng này. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm và sớm có chế tài đủ mạnh nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này", báo cáo Uỷ ban TCNS nêu.

Về cân đối và bội chi ngân sách Nhà nước, Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2017, trong đó bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc, và tiến hành rà soát kỹ tình hình giải ngân vốn vay ODA trong những năm gần đây để có biện pháp báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.

Năm 2018, sẽ chỉ mua xe cho Bộ trưởng trở lên

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với dự toán thu ngân sách Nhà nước do Chính phủ trình và cho rằng, dự toán thu ngân sách năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,5-6,7% và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế.

Về chi ngân sách, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với phương án dự toán chi ngân sách Nhà nước mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, trong bối cảnh cân đối ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi ngân sách Nhà nước cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Đồng thời, nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi.

Đồng thời, không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm. Không nợ chính sách chi cho con người.

Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiế đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Nâng bội chi ngân sách cần có "căn cứ thuyết phục hơn"

Đối với việc Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017. Ủy ban TCNS cho rằng, việc nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có "căn cứ lý giải thuyết phục hơn".

Theo đó, đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, trường hợp tăng thu ngân sách Nhà nước thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN. Đây là một nguyên tắc quan trọng, cần được quán triệt thống nhất trong điều hành NSNN trong giai đoạn ổn định ngân sách.

"Một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5%GDP như năm 2017, theo đó đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cực thu hồi nợ thuế như đã nêu ở trên", Uỷ ban TCNS yêu cầu.

Về nợ công, Ủy ban TCNS cho rằng, tuy nợ công dự kiến đến cuối năm 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, song Chính phủ kiên quyết cần rà soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh vay nợ của Chính phủ, tăng cường quản lý, giám sát vay nợ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công trong điều kiện bức tranh về ngân sách Nhà nước không nhiều khả quan, thiếu vững chắc như dự báo: tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào NSNN giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của ngân sách trung ương còn hạn chế.

"Đây thực sự là những khó khăn cần tập trung khắc phục trong những năm tới, bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 đã đề ra, đặc biệt không để vượt mức trần nợ công 65%GDP đã được Quốc hội quyết định", Uỷ ban TCNS nêu.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP