Số hóa

Ngăn ngừa chứng “nghiện Facebook” ở con trẻ

Mới đây, thông tin một nữ sinh 18 tuổi học giỏi, năng động ở Hà Nội do mắc chứng nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội Facebook bỗng trở nên sống khép kín, học lực sa sút và bố mẹ phải đánh thuốc mê đưa con nhập viện tâm thần khiến không ít bậc phụ huynh giật mình.

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam phải nhập viện do nghiện điện thoại và mạng xã hội Facebook. Trước đó, báo chí đã đăng tin về trường hợp một cậu bé 14 tuổi nghiện Facebook nặng và nhập viện trong tình trạng co giật sau khi bố mẹ tịch thu điện thoại; một trường hợp khác là nam sinh viên 20 tuổi bị trầm cảm mức độ nhẹ sau khi bị nhà trường đuổi học do học hành sa sút vì nghiện mạng xã hội, một ngày dành 8-10 tiếng vào Facebook…

Một trường hợp phải nhập viện vì nghiện điện thoại, Facebook (ảnh minh họa)

Vậy bố mẹ phải làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ con nghiện mạng xã hội Facebook?

Một điều dễ thấy là con chỉ có nguy cơ phát triển chứng nghiện Facebook khi con có thể dùng điện thoại vào Facebook ở mọi lúc, mọi nơi với sự hỗ trợ của mạng wifi và điện thoại thông minh. Nếu không thể vào Facebook một cách dễ dàng mọi lúc, mọi nơi thì con cũng chẳng thể ôm điện thoại lướt Facebook nhiều giờ đồng hồ được.

Do vậy, biện pháp quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ con nghiện Facebook là không tạo môi trường hỗ trợ cho việc vào Facebook thoải mái.

Một “chiêu” hiệu quả mà các bố mẹ có thể áp dụng đó là chỉ trang bị cho con loại “điện thoại cục gạch” (loại chỉ nghe gọi đơn thuần, không vào mạng được), tuyệt đối không sắm cho con loại smartphone đắt tiền.

Cần phải nói rằng, việc chỉ cấp cho con “điện thoại cục gạch” là một biện pháp đơn giản và hiệu quả trong việc ngăn ngừa con nghiện điện thoại và Facebook. Tuy vậy không phải gia đình nào cũng có thể dễ dàng thực hiện được biện pháp này nếu gia đình đó luôn có thói quen cung cấp cho con những gì xịn nhất để không thua bạn thua bè và con đã coi việc dùng “đồ xịn” là chuyện tất nhiên.

Để làm được điều này, bố mẹ có thể dạy con theo phương pháp phân biệt giữa cái mình “cần” và cái mình “muốn” để con không đùng đùng “nổi dậy” khi bị tịch thu smartphone nếu như trước đó bố mẹ đã “lỡ” sắm điện thoại đắt tiền cho con.

Theo phương pháp phân biệt giữa cái mình “cần” và cái mình “muốn”, nhu cầu là những thứ chúng ta thật sự không thể tồn tại nếu không có chúng, ví dụ như thức ăn hàng ngày, quần áo thông thường, điện thoại thông thường để có thể nghe gọi, liên lạc với bố mẹ, bạn bè… Còn mong muốn là những thứ chúng ta yêu thích, nhưng nếu không có nó thì chúng ta vẫn sống, ví dụ như ăn nhà hàng, quần áo hàng hiệu, điện thoại đời mới… Theo phương pháp phân biệt này, smartphone chỉ là cái con "muốn", không phải là cái con "cần"!

“Chiêu” thứ hai là quy định thời lượng vào mạng Internet khi con dùng máy tính để bàn/máy tính xách tay ở nhà. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo cách các tỷ phú công nghệ trong đó có Bill Gates dạy con dùng thiết bị điện tử.

Ngay cả khi con dùng máy tính tại nhà theo thời lượng bố mẹ quy định, thì vẫn có nguy cơ con la đà vào Facebook và có thể thức khuya dẫn đến thiếu ngủ, ảnh hưởng sức khỏe. Để giảm thiểu nguy cơ này, bố mẹ có thể áp dụng biện pháp giáo dục của Nhật Bản, đó là không cho con phòng học riêng, mà con học ở không gian chung của gia đình (ví dụ là phòng khách). Lý do là nếu không có người lớn giám sát thì thường các con ít tập trung vào việc học, mà chỉ học qua quýt rồi lại chơi điện tử, chat với bạn bè, hay vào Facebook.

Giám đốc Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, khi thấy con có những dấu hiệu đặc trưng sau thì cần đưa đến bệnh viện để kiểm tra:

- Đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook nhưng không thành công. Cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều

- Con trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook.

- Sử dụng Facebook rất nhiều, đến nỗi làm tác động tiêu cực đến học tập.

(Theo báo VietNamNet)

Tác giả: Nguyên Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP