Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank mới đây vừa công bố quyết định tuyển hơn 1.000 nhân viên, trong khi đó, ACB tuyển 800 chỉ tiêu. Nhưng các con số này vẫn chưa là gì so với HDbank khi hôm 23/3, nhà băng này thông báo tuyển tới 1.500 nhân sự trong đợt đầu tiên của năm 2017 và sẽ tuyển tiếp các đợt khác.
Điểm đáng chú ý là phần lớn vị trí tuyển dụng mới của các ngân hàng tập trung vào các vị trí chuyên viên khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.
Chẳng hạn như trong đợt tuyển dụng hơn 1.000 nhân viên của Sacombank thì có tới 600 chuyên viên khách hàng cá nhân, 150 chuyên viên khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20 chuyên viên khách hàng doanh nghiệp FDI. Tại HDbank và ACB cũng tương tự.
Điểm đáng chú ý là phần lớn vị trí tuyển dụng mới của các ngân hàng tập trung vào các vị trí chuyên viên khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.
Chẳng hạn như trong đợt tuyển dụng hơn 1.000 nhân viên của Sacombank thì có tới 600 chuyên viên khách hàng cá nhân, 150 chuyên viên khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20 chuyên viên khách hàng doanh nghiệp FDI. Tại HDbank và ACB cũng tương tự.
Ngân hàng lại ồ ạt tuyển dụng nhân sự.
"Để phục vụ cho những kế hoạch đã đặt ra cũng như tăng sức cạnh tranh với các nhà băng khác nên ngân hàng phải tăng cường thu hút nhân sự, đặc biệt là những nhân sự chuyên về kinh doanh", Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam lý giải.
Trước đó, năm 2016 thị trường ngân hàng cũng đã chứng kiến "làn sóng" tuyển nhân sự khá lớn. Điển hình như BIDV, VietinBank... tuyển hơn 1.000 người, hay Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt tuyển mới gần 2.000 nhân sự và được lãnh đạo nhà băng này cho là phù hợp với tốc độ phát triển mạng lưới của ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Phát triển TP HCM cũng cho rằng, việc tuyển dụng lớn này là nhằm phục vụ cho sự mở rộng hoạt động kinh doanh của nhà băng trong thời gian tới.
"Việc tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng thường diễn ra quanh năm, song mùa đầu năm, nhất là thời điểm quý I là rầm rộ nhất bởi đây là giai đoạn đầu mùa kinh doanh", vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM đưa ra các lý giải cho diễn biến này. Thứ nhất, theo ông Tín là do "làn sóng" di chuyển nhân sự giữa các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ bởi yếu tố lương, thưởng. Trong đó, những ngân hàng tầm trung đang chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bởi nhân viên tại các ngân hàng này thường có xu hướng hoặc là chuyển qua các ngân hàng lớn hoặc các ngân hàng nhỏ hơn nhưng chế độ lương thưởng cao hơn (ngân hàng nhỏ thường đưa ra mức lương cao, hấp dẫn để hút nhân sự từ ngân hàng cấp trung).
Nguyên nhân thứ hai và khá quan trọng, theo ông Tín là áp lực chỉ tiêu KPI. Hiện nay hầu như ngân hàng nào cũng áp chỉ tiêu kinh doanh cao, nếu ai không đáp ứng được thì phải ra đi. Do vậy, vị trí nhân viên kinh doanh thường biến động rất mạnh nên việc tuyển dụng cũng diễn ra thường xuyên.
Ngoài ra, Tiến sĩ Tín cho rằng, các ngân hàng đang tồn tại sự bất hợp lý ở bộ phận giao dịch viên và quan hệ khách hàng. Ông giải thích, thường những vị trí này đòi hỏi người phải có kinh nghiệm đảm trách mới chăm sóc khách hàng tốt được. Nhưng cái khó của các ngân hàng là nhân sự có kinh nghiệm lại không làm vị trí này do lương thấp lại áp lực nên buộc phải giao cho các sinh viên mới ra trường - những người rất non kinh nghiệm. "Đây cũng là lý do khiến cho bộ phận này biến động nhân sự rất lớn", ông nói.
Một khảo sát của Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, trong quý I/2017, có đến 46,5% các tổ chức tín dụng dự định tăng nhân sự làm việc toàn thời gian và gần như không có đơn vị nào có ý định cắt giảm người.
Tác giả bài viết: Lệ Chi
Nguồn tin: