Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc NHNN đánh giá: So với Luật Các TCTD 2010, các giải pháp để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đặt ra tại dự thảo Luật sửa đổi là tương đối đầy đủ, toàn diện.
Tuy nhiên, theo bà Hương, tại Điều 145a khoản 1 quy định: TCTD được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán là cần xem xét lại.
"Nếu để đến khi mất khả năng thanh toán mới kiểm soát đặc biệt thì tôi e là quá chậm. Mà nếu nhận thấy TCTD có nguy cơ trên, thì phải được đặt vào kiểm soát đặc biệt ngay”, bà Hương nêu ý kiến.
Thông tin tại hội thảo cho hay, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.
Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức; Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước.
Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản; Các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Quá trình tổng kết, đánh giá Đề án 254 cho thấy, việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là các vấn đề sau: Năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa được xử lý triệt để.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD là cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý TCTD yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.
Ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của TCTD. |
Theo ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.
Các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật.
“Ngoài ra, việc xây dựng dự thảo Luật cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để vận dụng có chọn lọc vào điều kiện thực tế của Việt Nam”, ông Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.
Đại diện ADB cho rằng, mỗi quốc gia cần chỉ định một cơ quan quản lý chịu trách nhiệm xử lý hoặc có thẩm quyền xử lý các ngân hàng trong phạm vi của cơ chế xử lý. Khi có nhiều cơ quan tham gia xử lý trong một quốc gia, cần quy định và phân công rõ về nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí