Kinh tế

Ngân hàng chấp nhận để tiền ế

Trái với cảnh căng thanh khoản trước Tết, những ngày nay, hệ thống ngân hàng đã trở về trạng thái dồi dào, dư thừa tiền. Tiền nhiều nhưng giới nhà băng lại khá thận trọng bật “đèn đỏ”, chưa bơm mạnh vào nền kinh tế, mà chấp nhận để tiền ế. Vì sao vậy?

5a SMTQ
Thay cho căng thẳng thanh khoản trong hệ thống, nay ngân hàng lại thừa tiền.

Từ khát vốn chuyển sang dồi dào

Trước Tết, nhân viên tín dụng một ngân hàng có trụ sở nằm trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) gọi điện than phải chịu khoán chỉ tiêu huy động đủ 1 tỷ đồng trong tháng 1/2017. Như thế cô mới được lĩnh đủ tiền Tết tương đương mức xếp hạng loại B năm 2016. Lý do, theo cô này, tại ngân hàng lúc đó đang căng thanh khoản, bởi khách hàng rút tiền quá nhiều. “Có buổi sáng, chỉ toàn khách hàng đến rút tiền tỷ. Hiện, bên em đã nâng lãi suất huy động lên mức tốt nhất, chị có người quen nào muốn gửi tiền giới thiệu nhé”, cô nhân viên nói. Ngày đầu sau Tết đi làm nhận được điện thoại cũng của cô này gọi thông tin: “Bọn em đã mở cửa tín dụng rồi, chị biết ai có nhu cầu vay mà là khách hàng tốt thì mời sang ngân hàng em”.

Cùng thời điểm, diễn biến trên thị trường tiền tệ ghi nhận: Sau chuỗi ngày căng về thanh khoản, vừa Tết ra, lãi suất liên ngân hàng đã lập tức giảm mạnh. “Một lượng tiền khổng lồ đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút về sau khi hoàn thành nhiệm vụ giữ ổn định thanh khoản trước Tết”, cập nhật bản tin thị trường tiền tệ tuần thứ hai sau Tết, các công ty chứng khoán nhẩm tính. Cụ thể, theo tính toán tổng hợp cả hai kênh OMO (nghiệp vụ thị trường mở) và tín phiếu, NHNN đã hút ròng một khối lượng tiền lên tới 161.613 tỷ đồng. Cũng lập tức, lãi suất liên ngân hàng giảm khá mạnh (kỳ hạn qua đêm giảm 2,07%, về mức 2,73%/năm; kỳ hạn 1 tuần giảm 1,71%, còn 2,99%/năm; kỳ hạn 2 tuần giảm 1,55% về mức 3,2%/năm).

“Diễn biến trên cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào khi lượng tiền dư thừa sau khi đáp ứng hết các nhu cầu chi tiêu dịp Tết đã nhanh chóng quay trở lại hệ thống. Chúng tôi dự báo diễn biến này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong 2-3 tuần tới”, ngày 15/2, công ty chứng khoán MB cho hay.

NHNN đã sử dụng công cụ hút ròng trở lại để ổn định thanh khoản hệ thống và nhu cầu tín dụng. Mặt bằng chung cho thấy, lãi suất huy động giữ nguyên và tăng nhẹ ở một số ngân hàng cổ phần. Ví dụ, ở Ngân hàng Phương Đông, PVcombank, Eximbank, TP bank, Techcombank, DongA bank… (tăng 0.1 – 0.2%/năm đối với một số kỳ hạn ngắn). “Đây không phải là xu hướng chung của thị trường mà chỉ là một vài ngân hàng nhỏ lẻ”, một đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định.

Tín dụng có lo âm?

Ngày xưa, quãng thời gian đầu năm thường là lúc thị trường tiền tệ “âm” về tăng trưởng tín dụng (không cho vay ra được). Nhưng hai năm nay, các ngân hàng có dư tiền nên tháng 1 có thể bơm tiền ngay”, giám đốc sở giao dịch một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay.

Tuy nhiên, theo ông này, năm nay thị trường tiền tệ cũng có nhiều dấu hiệu khác năm ngoái và buộc các ngân hàng phải thận trọng đặc biệt với những ngân hàng đã cho vay hết room (vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn). “Với cho vay bất động sản, ngân hàng chỉ chọn những doanh nghiệp yên tâm có tài sản thế chấp và có dự án tốt đang dở dang rót tiếp. Còn doanh nghiệp sản xuất đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khá yếu và bấp bênh. Có doanh nghiệp hôm nay xếp hạng A, mai đã rơi vào tình cảnh làm ăn thua lỗ, gây nợ xấu. Nói chung, phải nghe ngóng những tín hiệu từ nền kinh tế”, ông này cho biết.

Theo bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn của LienVietPostBank, hiện nhu cầu tín dụng vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao nhưng chắc chắn cả NHNN và các ngân hàng đều cẩn trọng khi xuống tiền. “Hiện, chúng tôi đã tăng tín dụng được mấy ngàn tỷ nhưng chủ yếu là cho doanh nghiệp vay xây dựng thuỷ điện bên Lào, rất yên tâm. 35-40% số tín dụng đó là giải ngân cho các cá nhân vay tiêu dùng qua hệ thống bưu điện có nhu cầu thực sự”, bà Vân nói.

Theo đại diện một số ngân hàng, xét về sức khoẻ nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn yếu, chỉ khối doanh nghiệp FDI là ổn. Với mục tiêu tín dụng tăng trưởng của năm là 18-20% cho toàn hệ thống ngân hàng, giới kinh doanh nhận định: Mức lãi suất cho vay tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, các yếu tố như lạm phát và việc tăng lãi suất của FED trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt sẽ khiến lãi suất có xu hướng nhích nhẹ.

Về tỷ giá, đây sẽ là “ẩn số” lớn của năm. Trước diễn biến đồng USD tăng giá, tỷ giá trong nước những ngày này đang có nhiều biến động, giá USD tăng nhẹ, nhiều nhà băng đang ngóng chờ hành động của nhà điều hành xem liệu NHNN có quyết định bán ra hay không.

CPI tháng 1/2017 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo năm 2017, việc giữ vững mặt bằng lãi suất gặp một số thách thức khi lạm phát có khả năng tăng, giá hàng hóa thế giới phục hồi (dự kiến lạm phát 5%); Lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng, kéo theo áp lực từ phía tỷ giá; Nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất; Ảnh hưởng của việc áp dụng quy định của Thông tư 06 về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ 1/1/2017.

Tác giả bài viết: Khánh Huyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP