Tại Khu chung cư Blue House dành cho người thu nhập thấp ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, 1 căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội đang được rao bán với giá gần 1,4 tỷ đồng.
Người môi giới ở đây cho biết, căn hộ này trước đây cho thuê với giá 5 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay, chủ căn hộ không muốn cho thuê nữa mà rao bán. Còn tại khu chung cư An Trung 2 trên đường Ngô Quyền, quận Ngũ Hành Sơn, là một trong những chung cư thu nhập thấp có vị trí đắc địa, được nhà nước xây dựng, bán với giá hỗ trợ 500 triệu đồng/căn cho đối tượng chính sách. Thế nhưng hiện nay, một số căn hộ ở khu chung cư này đang rao bán trên mạng xã hội.
Thành phố Đà Nẵng đang siết chặt quản lý chung cư, nhà ở xã hội. |
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Quyền Trưởng Ban Quản lý Chung cư An Trung 2, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Theo quy định, trong vòng 5 năm không được mua, bán, sang nhượng nhưng hiện tại, trên các trang mạng thì có nhiều đơn vị mua, bán bất động sản tự ý đưa tin mua, bán căn hộ ở chung cư".
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 42 khu chung cư với hơn 10.000 căn hộ trong diện nhà ở xã hội. Mỗi căn hộ được cho thuê với giá trung bình 800.000 đồng/tháng hoặc bán với giá khoảng 350 triệu đồng/căn. Đối tượng được thuê căn hộ chung cư phần lớn thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng thu hút nhân tài, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, cán bộ trẻ, phụ nữ đơn thân... Tuy nhiên, chính sách nhà ở xã hội đang bị lạm dụng.
Bất chấp những quy định về cấm chuyển nhượng đối với nhà ở xã hội, nếu chưa đủ thời gian 5 năm và không đúng đối tượng, không ít người vẫn mua bán các căn hộ này.
Khu chung cư An Trung 2, mặt tiền đường Ngô Quyền, Đà Nẵng. |
Bà Mai Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, những đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội được quy định tại Điều 48 Luật nhà ở và các điều kiện quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ. Tuy nhiên, không ít trường hợp qua rà soát không đúng đối tượng, đã có nhà ở thuộc sở hữu nên UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương thu hồi nhà của các hộ này để bố trí cho các đối tượng khác.
“Khi kiểm tra, các đối tượng có nhà buộc phải trả, hiện tại, công tác vận động đã có 56 trường hợp tự trả nhà theo kết luận thanh tra. Ngoài ra, còn có 48 trường hợp tự nguyện trả. Trước đây, thành phố cho thuê đúng đối tượng tại thời điểm cho thuê. Sau một thời gian vào ở, các đối tượng đã có nhà hoặc có 2 lô đất trở lên, lúc đó thành phố mới giao Thanh tra thành phố thanh, kiểm tra. Khi kiểm tra, các đối tượng có nhà buộc phải trả”, bà Mai Thị Thùy Linh nói.
Cuối năm ngoái, sau khi rà soát hơn 1.720 hồ sơ xét duyệt chung cư thu nhập thấp, Thanh tra thành phố Đà Nẵng phát hiện hơn 680 trường hợp vi phạm các quy định như: ở không đúng đối tượng, tự ý thông phòng, bố trí chung cư chưa được xét duyệt... Đặc biệt, qua kiểm tra, đối chiếu phát hiện gần 500 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có sở hữu đất ở, nhà ở, thậm chí có trường hợp sở hữu trên 2 lô đất vẫn được thuê nhà chung cư và hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội của Nhà nước.
Ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Hiện nay, thành phố đã giao cho Thanh tra tổng rà soát, thanh kiểm tra toàn diện đến công tác quản lý Nhà nước để làm rõ trách nhiệm về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tham mưu và cả về phía Chủ đầu tư. Nếu như cá nhân, tổ chức nào sai phạm thì căn cứ đúng quy định pháp luật để xử lý đúng thẩm quyền và cũng sớm giải quyết cho người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người mua”./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV