Quân nhân Nga chụp ảnh "tự sướng" trong lễ duyệt binh ở Moscow tháng 11/2014. (Ảnh: Getty) |
BBC ngày 6/10 đưa tin, dự luật mà Bộ Quốc phòng Nga đang soạn thảo cấm việc đăng tải lên mạng internet hình ảnh, video và các tư liệu có thể vô tình làm lộ những thông tin có lợi cho đối thủ. Ví dụ, việc đăng tải một nội dung lên mạng xã hội trong khi bật chức năng tự định vị có thể khiến đối thủ nắm được địa điểm Nga đang triển khai quân đội.
Dự luật này quản lý các quân nhân chính quy, những người có thể được gửi sang chiến trường nước ngoài và không có hiệu lực với các binh sĩ nhập ngũ. Trước đây, dựa vào hình ảnh do những người nghi là quân nhân Nga đăng tải trên mạng Internet, phương Tây từng cáo buộc Nga điều động quân đội tới can thiệp vào nội bộ một số nước.
Vào tháng 7/2014, một phóng viên BBC đã đăng lại bức ảnh do một binh sĩ Nga đăng tải các đoàn xe tải quân sự nối đuôi nhau. Binh sĩ này được cho là đang làm nhiệm vụ chuyển tên lửa tới 2 vùng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Ukraine và phương Tây đã cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở 2 khu vực trên. Nga đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc gửi quân chính quy tới đây, cho biết một vài lực lượng đã tình nguyện tới khu vực này trợ giúp.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 2 cơ quan an ninh của Nga là tổng cục an ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục Bảo vệ liên bang (FSO) đã ban hành lệnh cấm các nhân viên đăng tải bất cứ nội dung gì liên quan tới công việc lên mạng xã hội.
Theo TASS, lệnh cấm mới dự kiện sẽ bắt đầu có hiệu lực với các quân nhân Lực lượng vũ trang vào năm 2018.
Theo BBC, tất cả các mạng xã hội lớn đều có chế độ chia sẻ địa điểm khi đăng tải ảnh hay nhắn tin trực tuyến. Đây là chính sách của mạng xã hội nhằm giúp những người dùng tìm kiếm thông tin về địa điểm đó. Tính năng định vị toàn cầu trên điện thoại thông minh đời mới có thể cho ra kết quả rất chính xác, thường chỉ lệch đi vài mét và một số mạng xã hội còn cho phép người dùng sử dụng địa điểm chi tiết.
Tác giả: Đức Hoàng (Theo BBC)
Nguồn tin: Báo Dân trí