Kinh tế

Nếu ông Trump "nói là làm", kinh tế Việt sẽ chịu tác động ra sao?

Quan điểm chống thương mại hóa toàn cầu của ông Donald Trump khiến triển vọng thực thi TPP ít hơn, dệt may, da giày, logistics và cả thu hút FDI... sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy này. Hàng Trung Quốc có thể tìm sang Việt Nam nhiều hơn, tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn chịu áp lực. Song không ngoại trừ, ông Trump sẽ theo đuổi những chính sách ôn hòa hơn những gì đã tuyên bố.

Ngày 9/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho kết quả chính thức với việc ông Trump thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đây là một kết quả bất ngờ và trái ngược hoàn toàn với các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa toàn cầu cũng đã có một phiên biến động mạnh trong ngày 9/11.

Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã công bố báo cáo chuyên đề "Tác động từ nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ", trong đó bao gồm những chính sách có thể có ảnh hưởng lớn đến thương mại, kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Hệ thống chính trị của Mỹ có sự ràng buộc, phân quyền rất lớn, nên để thực hiện những thay đổi lớn như trong tuyên bố của Trump không phải là đơn giản


"TPP còn khá ít cơ hội được thực thi"

Báo cáo cho hay, thương mại quốc tế là một trong những điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump khi ông Trump nêu lên các quan điểm chống thương mại hóa toàn cầu, phản đối các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại ở mức cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước khác, đặc biệt từ những nước mà ông cho rằng có sự thao túng tiền tệ.

Cụ thể hơn, đối với các FTA, ông đề xuất đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định khác đang chờ đàm phán.

"Tác động rõ nhất đối với Việt Nam là việc TPP sẽ còn khá ít cơ hội được thực thi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này có thể gây suy giảm động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và những mặt tác động tích cực mà chúng ta đã kỳ vọng trong thời gian qua", báo cáo của BVSC nhìn nhận.

Theo đó, các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, logistics... sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy này.

Hơn thế nữa, khả năng thu hút các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu Hiệp định TPP có thể chững lại hoặc thậm chí là bị thu hẹp khi mà cơ hội để TPP được thực thi không còn - theo BVSC.

Bản báo cáo cũng lưu ý thêm rằng, dù hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại (trong đó có Việt Nam).

Chín tháng đầu năm nay, Mỹ là thị truờng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28,3 tỷ USD, trong đó các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc và thủy sản. Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng (gần nhất năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ).

"Quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", báo cáo đánh giá.

Khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế

Hàng Trung Quốc có thể sang Việt Nam nhiều hơn

BVSC cũng cho rằng, mức chênh lệch thuế nhập khẩu quá lớn giữa các quốc gia vào Mỹ sẽ khiến hoạt động mua bán ăn chênh lệch giá (arbitrage) diễn ra mạnh mẽ. Hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao, như Trung Quốc, tìm cách nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ qua nước thứ 3, như Việt Nam.

Vấn đề trên thực tế đã và đang xảy ra, với việc Mỹ hôm 7/11 chính thức mở điều tra cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế. Và để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh việc kiểm duyệt gắt gao, Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ phải tăng thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.

"Như vậy có thể nhìn thấy viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, khiến lưu chuyển hàng hóa toàn cầu gặp trở ngại, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu, viễn cảnh khủng hoảng kinh tế là rủi ro có thể xảy ra", BVSC dự báo.

Ngoài ra, khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế. "Chúng tôi không loại trừ khả năng một phần sẽ chuyển sang Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước (câu chuyện của một số mặt hàng thép là ví dụ điển hình), hoặc gia tăng sức ép cạnh tranh ở các thị trường thứ 3 với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam", bản báo cáo lo ngại.

Một khía cạnh khác không thể không nhắc đến là việc nguồn vốn đầu tư FDI toàn cầu sẽ suy giảm mạnh, hệ quả của việc luân chuyển hàng hóa toàn cầu bị gián đoán, chủ nghĩa bảo hộ thương mại chiếm ưu thế. Là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư FDI, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực nếu viễn cảnh trên xảy ra.

Áp lực lên tỷ giá cuối năm

Tân tổng thống Mỹ chủ trương cắt giảm thuế (bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp như trong bảng đầu tiên) đồng thời tăng mạnh chi tiêu công, đặc biệt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và quân sự. Tăng thuế nhưng đồng thời tăng chi tiêu sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng. Điều này nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên lạm phát và đồng USD sẽ có xu hướng giảm giá trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, BVSC cho rằng, đồng USD sẽ có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền của các nước “có thể là đích ngắm” của các hành động bảo hộ thương mại của Mỹ, bao gồm JPY, EUR và đặc biệt là đồng tiền của các thị trường đang phát triển hiện đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Diễn biến này phản ánh trước yếu tố “kỳ vọng” và dự báo về những khó khăn mà các nước đang phát triển sẽ gặp phải trên lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như khía cạnh xuất khẩu. Kịch bản này cùng yếu tố mang tính mùa vụ cuối năm trong nước có thể sẽ gây áp lực mất giá nhất định lên đồng VND trong hai tháng cuối năm.

Mặc dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, không loại trừ khả năng trên thực tế những chính sách mà ông Donald Trump theo đuổi sẽ theo chiều hướng ôn hòa hơn những gì ông đã phát biểu trong kỳ tranh cử nhằm mục đích gây ấn tượng với dân chúng.

Hơn nữa, hệ thống chính trị của Mỹ cũng có sự ràng buộc, phân quyền rất lớn và các chính sách đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện qua rất nhiều nhiệm kỳ tổng thống trước đây. Vì vậy, báo cáo cho rằng, để thực hiện những thay đổi lớn như trong tuyên bố của Trump không phải là đơn giản.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP