Trong nước

“Nếu NQ 05 được nghiên cứu kỹ thì xã hội nay đã khác rồi”

“Nhà nước chưa bao giờ coi nhẹ bậc mầm non, có lẽ chúng ta cần xem lại cách phân bổ tài chính chi cho giáo dục và đào tạo sao cho hiệu quả, khoa học với từng cấp học, bậc học”, Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ.

Nhìn vào thực tiễn cuộc sống, chuyện phụ huynh phải khó nhọc tìm chỗ học cho con, chuyện trẻ mầm non bị bạo hành, chuyện trẻ mầm non bị ăn bún chan nước xương….mà dư luận đang nóng rẫy, có ý kiến cho rằng do bậc học này đã bị chính sách quốc gia lãng quên sau khi giao phó hoàn toàn cho xã hội hóa? Là người có nhiều chuyến đi giám sát thực tế, quan điểm của bà về chuyện này như thế nào?

Bà Ngô Thị Minh: Đúng là bậc học mầm non hiện nay đang phải thực hiện chủ trương xã hội hóa chứ không chỉ trông đợi vào NSNN, nhưng nếu ai đó cho rằng bậc học này nhà nước đang phó mặc hoàn toàn cho việc xã hội hóa là nhận định chưa đúng.

Thực tế hiện nay, hệ thống trường mầm non công lập vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Việc xã hội hóa ở bậc học mầm non chỉ mới thực hiện được tại các thành phố, thị xã, nơi có điều kiện kinh tế phát triển thuận lợi, còn khu vực nông thôn, vùng sâu, xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn thì khó có thể thực hiện được việc xã hội hóa, mà chủ yếu vẫn phải do nhà nước chi trả.

Không phải nhà nước đang coi nhẹ bậc mầm non mà có lẽ chúng ta cần xem lại cách phân bổ tài chính chi cho giáo dục và đào tạo sao cho hiệu quả, khoa học với từng cấp học, bậc học, trong đó có cấp học mầm non.

Bà Ngô Thị Minh cho rằng cần phải phân chia xem ngân sách cho cấp học mầm non và bậc học phổ thông là bao nhiêu và dựa vào tiêu chí nào để có sự phân bổ ấy. Ảnh: VietNamNet

Chúng ta có kế hoạch điều giáo viên dôi dư sang dạy mầm non. Đây chẳng phải là một dẫn chứng cho thấy bậc học nền tảng này đã bị xem nhẹ đó sao?

Đề xuất này khởi nguồn từ thực trạng thừa thiếu giáo viên trong từng cấp học phải bố trí, sắp xếp lại và từ thực trạng yêu cầu đội ngũ giáo viên phải nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành giáo dục trong giai đoạn mới sẽ dẫn tới một bộ phận không nhỏ giáo viên phải rời khỏi môi trường giảng dạy mà họ đang làm nhiệm vụ. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có kế hoạch giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp trong khi cấp học mầm non cả nước đang thiếu hơn 30 nghìn giáo viên hiện nay.

Kế hoạch chuyển lượng giáo viên dôi dư này sang dạy ở cấp học mầm non cần phải được ngành chức năng, phối hợp chặt chẽ với Chính quyền các địa phương xây dựng đề án khả thi và phải có kế hoạch tổ chức đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công việc mới.

Tôi thắc mắc mãi là vì sao chuyện bạo hành, chuyện hạ tầng trường mầm non không đảm bảo và cả chuyện ăn bớt khẩu phần của trẻ xảy ra đã lâu, ai cũng thấy vậy mà vẫn liên tục xảy ra hết vụ này tới vụ khác?

Câu chuyện liên quan đến cấp học mầm non đang nóng rẫy trên các mặt báo mấy ngày qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chúng ta thiếu quy hoạch đồng bộ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, gắn với việc xây dựng các các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục mầm non nói riêng cùng các thiết chế văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho những người trực tiếp làm công tác trẻ em cấp xã, cấp cơ sở còn nhiều bất cập, đặc biệt với các nhóm trẻ gia đình, thiếu sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan chức năng...

Tôi thực sự bị ám ảnh đến mức không ngủ nổi mỗi khi tới mùa tuyển sinh, báo chí dành nhiều thời lượng phản ánh chuyện cha/mẹ trắng đêm xếp hàng xin học mầm nong cho con; Tôi thực sự ám ảnh khi những đứa trẻ chập chững bị bạo hành tại các cơ sở trông giữ trẻ quanh các khu công nghiệp…; Tôi càng ám ảnh hơn khi nhìn những đứa trẻ thơm tho vui cười trong các trường tư chất lượng cao, còn những đứa trẻ khác bị nheo nhếch trong những cơ sở kém chất lượng….

Tôi nhớ năm 2005 chúng ta có Nghị quyết số 05 tăng cường xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao... Nghị quyết ấy rất hay và đã chỉ rõ, Chính phủ giao cho Bộ Tài Chính phải tham mưu cho Thủ tướng chính phủ để chuyển việc hỗ trợ ngân sách cho người thụ hưởng thông qua các cơ sở công lập như hiện nay sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng. Nếu Nghị quyết đó được Chính Phủ chỉ đạo sát sao, kiên quyết và kiểm soát kỹ việc thực hiện trách nhiệm các Bộ ngành thì đến nay, có lẽ hiện tượng xếp hàng từ đêm để được nộp đơn vào các trường công lập sẽ không còn tồn tại và vấn đề xã hội hóa sẽ thu được kết quả khả quan hơn, không bị tình trạng chệch hướng như hiện nay.

Những gia đình yếu thế, khó khăn liệu có được ưu tiên vào học ở các trường mầm non công lập hay không, hay phần đông là con em của các cán bộ công chức, viên chức phải được ưu tiên trước. Đây là câu chuyện đáng quan tâm.

Vừa rồi, trên báo VietnamNet, có ý kiến cho rằng riêng với bậc học mầm non, phải công lập hóa, đặc biệt là công lập hóa đội ngũ giáo viên. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta đã biết, việc Quốc hội đã có Nghị quyết, dành 20% ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhưng việc sử dụng nguồn ngân sách này sao cho thực sự hiệu quả đang là bài toán khó đặt ra và rất cần vai trò tham mưu sâu của Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tài Chính và các Bộ ngành liên quan khác với Chính Phủ nhân dịp sửa đổi Luật Giáo dục sắp tới.

Cần phải phân chia xem ngân sách cho cấp học mầm non và bậc học phổ thông là bao nhiêu và dựa vào tiêu chí nào để có sự phân bổ ấy. Kể cả kinh phí dành cho lĩnh vực giáo dục Nghề nghiệp và giáo dục Đại học. Khi phân bổ ngân sách cho từng cấp học, ngành chức năng cần xem xét đến quyền học tập của học sinh, sinh viên và việc học tập suốt đời của người dân cùng với sự tôn vinh vị thế của người thầy trong xã hội.

Nhà nước cần tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa trường công và trường tư. Trách nhiệm của nhà nước với người học ở các trường tư cần minh bạch và rõ ràng hơn thông qua chính sách đất đai, tín dụng dành cho người học nhằm giảm học phí hàng tháng. Nhà nước khuyến khích, vinh danh các nhà đầu tư có doanh nghiệp đỡ đầu, không nhận sự hỗ trợ của nhà nước và đầu tư không vì mục đích lợi nhuận.

Những nhà đầu tư nào không có doanh nghiệp đỡ đầu, nhà nước sẽ dùng chính sách đất đai, tín dụng dựa theo quy mô học sinh để hỗ trợ nhằm tạo sân chơi bình đẳng, thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao, gánh bớt gánh nặng cho NSNN. Khi đó, NSNN tập trung nhiều để hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục công lập ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc hỗ trợ gia đình các nhóm trẻ yếu thế. Những nơi có điều kiện thì nhà nước chỉ đầu tư cho người học ở mức ngân sách tối thiểu…

Cám ơn bà đã dành thời gian cho chuyên mục Tuần Việt Nam/báo Vietnamnet.

Tác giả: Lan Anh (thực hiện)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP