Thế giới

NATO, EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt cảnh báo về nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế nếu Tổng thống Tayyp Erdogan lạm quyền trong quá trình thanh trừng sau cuộc đảo chính.

Mỹ đã đi đầu trong làn sóng kêu gọi Ankara kiềm chế sau khi trải qua cuộc đảo chính hôm 15-7 do lo ngại về quá trình phục hồi dân chủ tại quốc gia này.

Sau khi chứng kiến hàng ngàn người bị bắt giữ và sa thải vì nghi ngờ có liên quan đến vụ đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-7 nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ rằng NATO có quy định về dân chủ và “sẽ xem xét rất kỹ lưỡng những gì đang xảy ra” tại nước này.

Quyết định trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia gần 80 triệu dân, ra khỏi NATO sẽ được xem xét kỹ, nếu có. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, cũng như trong việc ngăn chặn làn sóng người tị nạn chạy sang châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được gia nhập EU nếu Tổng thống Erdogan khôi phục án tử với quân đảo chính. Ảnh: Reuters

Cảnh báo trên của ông Kerry được đưa ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng với Mỹ về số phận giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ giao nộp ông Gulen, đang sống tại bang Pennsylvania, sau khi cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry khẳng định sẽ chỉ xem xét vấn đề này khi Ankara trưng ra được bằng chứng thuyết phục.

Cảnh báo cũng đến từ Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc đảo chính. Các quan chức EU hôm 18-7 tuyên bố nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành con số 0 nếu nước này khôi phục án tử hình để trừng phạt những người đảo chính.

Không những thế, Uỷ viên EU phụ trách vấn đề mở rộng khối, ông Johannes Hahn, cáo buộc ông Erdogan lên kế hoạch thanh trừng đối thủ trước cuộc đảo chính diễn ra nhằm cũng cố quyền lực.

“Việc danh sách bắt giữ có ngay sau khi cuộc đảo chính kết thúc đã chỉ ra rằng nó đã được chuẩn bị từ trước để sử dụng vào thời điểm phù hợp" - ông Hahn nhận định.

Chỉ vài giờ sau khi cuộc đảo chính thất bại, hơn 6.000 thành viên quân đội đã bị bắt giữ. Hôm 18-7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt giữ thêm 103 vị tướng, sa thải 9.000 công chức, 8.000 cảnh sát, hơn 20 tỉnh trưởng cùng với hàng loạt nhân viên ngành tư pháp với cáo buộc liên quan đến ông Gulen.

“Bất kỳ ai bị bắt giữ sẽ bị quy tội ủng hộ Gulen. Tôi không nghĩ rằng tất cả nhân viên quân sự bị bắt đều có liên quan đến ông Gulen.” – nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Zaman bình luận.

Tác giả bài viết: Cao Lực

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP