Dự kiến năm nay Bộ GTVT sẽ xây dựng xong đề án nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa. |
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ đã làm việc với 20 địa phương có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi qua để thống nhất về hướng tuyến, nhà ga để hoàn thành báo cáo giữa kỳ. Tuy vậy, hiện bộ vẫn chưa làm việc với Hà Nội và TP HCM, trong khi đây là 2 địa phương quan trọng trong vấn đề thống nhất hướng tuyến, vị trí khu depot, ga, kết nối giao thông.
Ông Thể yêu cầu ngay trong đầu tháng 7 tới bộ sẽ làm việc với Hà Nội và TP HCM về nội dung trên. Đồng thời, sau khi đã thống nhất với các địa phương sẽ tổ chức các hội thảo để tiếp thu thêm ý kiến của các nhà khoa học, ngành, địa phương về các nội dung chính của dự án.
“Đến cuối năm 2018, Bộ GTVT phải hoàn thành đề án nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam để báo cáo Chính phủ. Các đơn vị tư vấn dự án cần tính đến phương án kết nối đường sắt này với đường bộ, hàng không, đường biển. Mỗi nhà ga không đơn thuần chỉ là ga đường sắt mà phải là trung tâm thương mại, đô thị của các địa phương”, ông Thể yêu cầu.
Theo Bộ GTVT, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chia thành 3 giai đoạn, với mục tiêu sau năm 2050 sẽ trở thành đường sắt cao tốc.
Theo đó, giai đoạn thứ nhất từ nay đến năm 2020: Tập trung nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, với đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.
Giai đoạn 2 năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ 350 km/h trong tương lai; ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Giai đoạn 3 tầm nhìn đến 2050: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ 350 km/h (tốc độ cao tốc).
Dự kiến, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án trên vào năm 2019.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.500 km, đi qua 20 tỉnh thành, trong đó gần 60% đi qua cầu và hầm; trên tuyến có 23 nhà ga. Tuyến đường dự kiến sẽ đi xuyên đèo Cù Mông, đèo Cả... |
Tác giả: LÊ HỮU VIỆT
Nguồn tin: Báo Tiền phong