Giáo dục

Năm 2018: Nhiều ngành sư phạm chỉ tuyển sinh, đào tạo 15 sinh viên

Năm 2018, trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) sẽ tuyển sinh và đào tạo nhiều ngành sư phạm chỉ với 15 sinh viên.

Hàng loạt ngành sư phạm tuyển sinh và đào tạo chỉ 15 sinh viên

Nhằm tuyển sinh được những học sinh (HS) có học lực khá, giỏi THPT vào học khối ngành sư phạm, Trường ĐH Hồng Đức đã xây dựng Đề án “Đào tạo và sử dụng giáo viên (GV) trung học phổ thông (THPT) chất lượng cao giai đoạn 2018-2030” (gọi chung là Đề án).

Mục tiêu của Đề án là tổ chức đào tạo để sinh viên (SV) đạt chuẩn đầu ra, đảm bảo năng lực, tiêu chuẩn theo khung trình độ quốc gia Việt Nam và chuẩn chức danh nghề nghiệp GV THPT công lập.

Từ năm 2018, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Hồng Đức chỉ tuyển sinh và đào tạo khoảng 15 sinh viên

Theo đó, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao phải cao hơn của CTĐT đại trà tương ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp GV THPT; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin...

Riêng năng lực ngoại ngữ (Tiếng Anh) tối thiểu phải đạt bậc 4/6, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (các ngành sư phạm không chuyên ngoại ngữ, đạt trình độ bậc 4/6; sư phạm Tiếng Anh đạt trình độ bậc 5/6, đạt chuẩn mức C1 theo khung tham chiếu châu Âu; ngoại ngữ 2 đạt trình độ bậc 4/6 trở lên).

Về nguyên tắc tuyển sinh cơ bản thực hiện theo Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hiện hành. Điều kiện xét tuyển là những HS tốt nghiệp THPT đạt các tiêu chí: Rèn luyện 3 năm ở THPT đạt loại tốt; xếp loại học lực 3 năm ở THPT đạt loại giỏi trở lên; có tổng điểm thi THPT quốc gia 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24.0 trở lên (điểm từng môn chưa nhân hệ số và không có môn nào dưới 5,0 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8.0 điểm trở lên.

Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển cộng với điểm khu vực, ưu tiên (nếu có); ưu tiên tuyển thẳng đối với HS đạt giải Quốc tế, Quốc gia (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba), các môn văn hóa tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển; xét tuyển từ thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất đến hết chỉ tiêu được giao.

Phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Theo Đề án, việc học tập được đảm bảo mỗi ngành đào tạo có phòng học riêng cho lớp, được trang bị máy tính kết nối mạng internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập; mỗi SV có nơi tự học ở trường và ở ký túc xá, được sử dụng mạng internet không dây.

Đồng thời, trang bị đủ giáo trình, tài liệu tham khảo trong, ngoài nước và được cập nhật thường xuyên; thư viện và thư viện điện tử đảm bảo phục vụ cho giảng viên và SV tra cứu, sử dụng trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, SV còn được đảm bảo đủ các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập; có các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy thực nghiệm cho SV và các cơ sở vật chất cần thiết khác theo yêu cầu của CTĐT.

Thời gian thực hiện tuyển sinh từ năm 2018 đến 2026; thời gian thực đề án 2018-2030. Chương trình sẽ tăng khối lượng kiến thức trong từ 120 tín chỉ lên 136 tín chỉ. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm của các ngành:

PGS.TS Lê Văn Trưởng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, tùy vào điều kiện thực tế, có thể nhiều ngành chỉ đào tạo 10 SV theo đơn đặt hàng của địa phương. Đây là lần đầu tiên, cũng là điểm đặc biệt trong công tác đào tạo các ngành sư phạm của trường trong năm nay.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Trưởng, bậc học Mầm non và Tiểu học hiện vẫn đang thiếu GV nên trường vẫn tuyển sinh bình thường như mọi năm, còn GV cho cấp THCS và THPT thì mỗi ngành (môn) chỉ khoảng 10-15 SV.

Sinh viên tốt nghiệp được phân công công tác phù hợp

Đề án còn chú trọng chuyển đổi quá trình đào tạo chủ yếu trang bị kiến thức sang tăng cường năng lực thực hành, đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của xã hội; phát triển năng lực sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu; thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng đào tạo, đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Đồng thời, thường xuyên đánh giá chất lượng đào tạo, sự hài lòng của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, xã hội, của người học để kịp thời điều chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp theo đúng quy định hiện hành.

SV tham gia Đề án được bố trí quy mô lớp nhỏ, có phòng học riêng đủ điều kiện trang thiết bị để dạy học và tự học; được bố trí thực hành, rèn nghề, thực tập tại các sở giáo dục có uy tín ở trong nước; được đi học nước ngoài theo các chương trình liên kết (nếu đủ điều kiện).

Được nhà trường miễn phí ở ký túc xá; được cấp học bổng học tập bằng mức lương cơ bản/tháng x 10 tháng/năm nếu đạt học lực giỏi trở lên (xét theo kết quả học tập sau mỗi học kỳ); sau khi tốt nghiệp đạt loại khá trở lên sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa phân công công tác phù hợp.

Bên cạnh đó, cam kết hoàn thành khóa đào tạo và phục vụ ít nhất 5 năm trong ngành giáo dục ở tỉnh Thanh Hóa; chịu sự phân công công tác của cơ quan quản lý sau khi tốt nghiệp; bồi hoàn kinh phí theo quy định nếu không thực hiện đúng cam kết trong quá trình đào tạo và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP