Thế giới

Mỹ đối mặt với những phản ứng mạnh về một loạt vấn đề quốc tế nóng bỏng

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh trong thời gian gần đây không được êm đẹp, đặc biệt là với Venezuela. Sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày 20-5, Mỹ cùng nhiều đồng minh EU cũng như một số nước tuyên bố không công nhận kết quả của cuộc bầu cử này với cáo buộc “chưa đủ dân chủ”.

Tổng thống tái đắc cử của Venezuela Nicolas Maduro ngày 22-5 đã tuyên bố trục xuất hai quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ với cáo buộc có âm mưu chống lại chính quyền Venezuela, đánh dấu một nấc thang mới trong căng thẳng giữa nước này với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn dĩ đang đối mặt với sóng gió từ số phận chưa được định đoạt của cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên cũng như sự phản kháng mạnh mẽ từ Iran.

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh trong thời gian gần đây không được êm đẹp, đặc biệt là với Venezuela. Sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày 20-5, Mỹ cùng nhiều đồng minh EU cũng như một số nước tuyên bố không công nhận kết quả của cuộc bầu cử này với cáo buộc “chưa đủ dân chủ”.

Bất chấp nhiều nước như Trung Quốc và Nga kêu gọi tôn trọng cuộc bầu cử và tiến trình dân chủ ở Venezuela, cũng như ngừng can thiệp vấn đề nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-5 đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Venezuela nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của giới chức ở Caracas.

Mỹ vấp phải sự phán ứng mạnh mẽ trong nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có căng thẳng với Venezuela. Ảnh Santiago Times.

Theo đó, cấm các cá nhân và tổ chức trong phạm vi quản lý của Mỹ tiến hành các giao dịch mua bất kỳ khoản nợ nào của Chính phủ Venezuela. Sắc lệnh cũng cấm mua các khoản nợ của Chính phủ Venezuela được cầm cố như một tài sản thế chấp; cấm bán, chuyển nhượng bất cứ lợi ích cổ phần nào trong bất cứ thực thể nào Chính phủ Venezuela có lợi ích sở hữu từ 50% trở lên.

Những lệnh trừng phạt như một đòn giáng thêm vào Venezuela, đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế do dầu thô mất giá những năm gần đây. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Venezuela đã giảm 45% trong vòng 5 năm trở lại đây và dự báo giảm tiếp 15% trong năm nay, trong khi lạm phát lên cao dẫn đến tình trạng tiền mất giá.

Đáp trả lại hành động của Mỹ, Tổng thống Maduro ngày 22-5 tuyên bố Đại biện lâm thời Mỹ Todd Robinson và Brian Naranjom, người phụ trách bộ phận chính trị phải rời khỏi Venezuela trong vòng 48 giờ, theo Reuters.

Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực khiến người dân Venezuela phải chịu nhiều tổn thất. Bộ Ngoại giao Venezuela cũng lên tiếng chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ, đồng thời lên án “chiến dịch gây hấn có hệ thống” của Mỹ nhằm trừng phạt người dân Venezuela vì đã thực hiện quyền đi bỏ phiếu.

“Những hành động độc đoán và đơn phương này tương đương với tội ác chống lại loài người”, Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Venezuela. Sau khi Tổng thống Maduro ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Caracas, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Venezuela thông qua các kênh ngoại giao.

Tuy nhiên, quan chức này khẳng định, nếu việc trục xuất được xác minh thì Mỹ sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Venezuela tiếp tục làm xấu đi quan hệ giữa hai nước vốn dĩ nhiều căng thẳng.

Trong khi đó, sóng gió tiếp tục bủa vây Nhà Trắng khi cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12-6 tại Singapore, đang đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ khi cả Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa hủy bỏ cuộc gặp này nếu điều kiện của các bên không được đáp ứng.

Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc tại Nhà Trắng ngày 22-5 cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên có thể không diễn ra theo đúng kế hoạch” và “điều này tùy thuộc vào hành động sắp tới của Triều Tiên”, đồng thời cho biết thêm ông sẵn sàng dời cuộc gặp sang thời điểm khác hoặc thậm chí hủy bỏ. Tổng thống Trump nhấn mạnh, một trong những điều kiện để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đe dọa hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh với Mỹ, sau khi hoãn các cuộc đàm phán với Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có tên Max Thunder. Trong khi cả hai bên ban đầu đều có những “nhượng bộ”, như hành động thả công dân Mỹ đầy bất ngờ của Triều Tiên, những động thái và tuyên bố gần đây của lãnh đạo hai nước đang khiến số phận của cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử trở nên khó đoán định.

Chưa hết, thử thách tiếp tục đặt ra cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước sự phản ứng mạnh mẽ từ Iran. Ông Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ngày 8-5 vừa qua dù ông không đưa ra chiến lược “dự phòng” nào để ngăn ngừa Iran tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa của mình.

Hôm 21-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thay ông chủ Nhà Trắng làm điều này với việc ra 12 điều kiện đối với Tehran, bao gồm cả việc từ bỏ chương trình hạt nhân và rút chân ra khỏi cuộc chiến tại Syria, nếu không muốn đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt mới cứng rắn hơn từ phía Mỹ. Iran ngay lập tức đáp trả rằng chính quyền Mỹ đang cố gắng quay ngược lại thời kỳ “Bush con” của 15 năm về trước và cố gắng áp đặt những suy nghĩ của mình lên thế giới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Thế giới đương thời không chấp nhận việc Mỹ quyết định thay cho thế giới bởi các quốc gia hiện nay đều độc lập. Chúng tôi sẽ bước tiếp trên con đường mình đã chọn”, theo Reuters. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran đã nhận định tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện một “bước lùi” về ngoại giao, đồng thời khẳng định Iran và các đối tác vẫn đang nỗ lực đàm phán về thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà không có Mỹ.

Trước những diễn biến mới nhất liên quan đến tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, giới quan sát cho rằng “đòn tấn công” mới của Mỹ có thể không chỉ đơn thuần nhằm “yêu sách” để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Việc Iran chấp nhận tuân theo các yêu cầu từ Mỹ, theo nhiều chuyên gia, là điều khó có thể xảy ra.

Thay vào đó, Iran có nhiều cách để đáp trả quyết liệt hơn như những gì Tehran từng tuyên bố, dẫn đến việc Mỹ có thể sẽ bị lún sâu hơn vào các điểm nóng xung đột khu vực, một điều mà ông Trump không hề mong muốn.

Tác giả: Duy Tiến

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: quốc tế , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP