Giáo dục

Muôn nẻo tặng phong bì thầy cô

Quà tặng 20/11 cho giáo viên được nhiều phụ huynh quy ra… “thóc” vì tiện đủ đường. Và chuyện những chiếc phong bì gửi tặng thầy cô cũng muôn màu muôn vẻ.

Không cần phải né tránh thì việc nhiều phụ huynh tặng quà cho thầy cô giáo bằng phong bì là một thực tế diễn ra lâu nay. Phụ huynh và nhiều nhà giáo không xa lạ với hình ảnh món quà chỉ mang tính tượng trưng đi kèm tặng phẩm chính là phong bì. Việc đi tặng phong bì cho thầy cô với nhiều người là chuyện bình thường nhưng muốn hay không nó cũng là một vấn đề nhạy cảm.

Đưa chuyện quà tặng, tri ân thầy cô ra để bàn, để nói… không phải là điều hay ho. Có điều, đằng sau những chiếc phong bì cũng muôn màu muôn vẻ không phải ai cũng biết.

Nhiều bố mẹ "đau đầu" khi cân nhắc chọn quà tặng thầy cô dịp 20/11 (ảnh minh họa)

Nhanh gọn và tiện là những ưu thế có sẵn của... phong bao. Người mua không phải mất nhiều thời gian, không phải "đau đầu" lựa chọn món quà. Phong bì cũng giúp giải quyết rất nhiều khâu tâm lý mà khi tặng quà hay gặp phải như người nhận có thích, có dùng, có phù hợp hay không rồi cả chút vấn vương, liệu thầy cô có biết hết... "giá trị" của món quà?. Hay với nhiều người là sự thẳng toẹt: "Ai chẳng thích tiền!".

Chị Nguyễn Ngọc Trúc, nhà ở quận Tân Bình, TPHCM cho hay gần như mùa lễ năm nào vợ chồng chị cũng đôi co về chuyện đi thầy cô. Bản thân chị thích tặng quà hơn vì thể hiện được quan tâm, yêu quý của mình đến người nhận. Còn tiền thì quá đơn giản nhưng chị "thấy sao sao, hơi thực tế và có phần... lạnh lùng". Nhưng ông xã chị lại kêu bỏ phong bì nên đến giờ, mong muốn tặng hộp bánh ngon cho thầy cô của chị vẫn còn dùng dằng, chưa chốt được phương án cuối.

Nghe đến việc đi phong bì, ở góc độ người tặng và người nhận ai cũng đều có cảm giác.. thực tế và có phần thực dụng. Có điều, cuộc sống có muôn màu muôn vẻ và không ít người nhận, người tặng cũng có những tâm tư, trăn trở riêng của họ, không ai giống ai. Những tâm tư mà không phải lúc nào cũng nằm trong khuôn khổ đánh giá bề ngoài của mọi người.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, có con nhỏ học ở Gò Vấp, TPHCM cho hay, đối với việc nuôi dạy con, ai cũng phải thừa nhân chị quá vô tư, chị rất ít khi can thiệp quá sâu vào chuyện học hành, trường lớp của con trừ khi có những vấn đề nghiêm trọng. Con chị hiếu động, nghịch ngợm và chị thích con được tự do, không muốn con được bảo học nên trong suy nghĩ chị không có tâm lý mong được mọi người, thầy cô "chiếu cố" quan tâm chăm chút hơn. Thậm chí, trước đây cô con gái lớn chị không đi quà thầy cô trong các dịp lễ mà chẳng thấy có vấn đề gì như nhiều người suy tưởng.

Nhưng gần đây chị thay đổi suy nghĩ, có hai con học mầm non, tiểu học, tiếp xúc và chứng kiến cảnh các cô làm việc hàng, chị thầy các cô vất vả quá. Quần quật từ sáng đến chiều không ngơi nghỉ, nhất là các cô mầm non, ngày nào cũng quay như chong chóng với hàng chục đứa trẻ ăn ngủ, ôn ói, vệ sinh, mè nheo... Rồi khi biết mức lương của các cô, chị thấy chát đắng ở cổ họng.

"Tôi vẫn thích tặng quà nhưng tôi chọn đi phong bì với suy nghĩ mình chia sẻ với các cô được chút nào đó dù không đáng là bao. Các cô có thể chủ động hơn khi món quà là một số tiền. Tuy nhiên, tôi cũng mong các cô cũng đừng quá nặng lòng chuyện này", người mẹ bộc bạch và cho rằng không phải cứ tặng tiền là không quan tâm mà quan trọng nhất vẫn là sự chân thành khi tặng không mang những hàm ý không hay.

Cũng có không ít thầy cô sau khi được phụ huynh tặng quà nhưng không dùng đến đành đem tặng lại người khác hay có người "thanh lý" món quà đổi ra được một khoản tiền. Cũng đừng vội quy kết hay phán xét việc này vì suy cho cùng, họ đã là chủ sở hữu của món quà và có quyền sử dụng món quà theo cách của mình. Có những thầy cô được tặng những món quà đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp... nhưng họ không có nhu cầu dùng, họ thấy mình không hợp để sử dụng, hoặc thấy tiếc khi dùng. Hoặc thầy cô những việc khác cấp thiết hơn...

Một cô giáo dạy Văn ở TPHCM chân thành cho biết, cô không bao giờ phân biệt phụ huynh, học sinh tặng quà gì. Hay các em không tặng quà trong các dịp lễ, cô cũng thấy bình thường. Nhưng trong điều kiện của cô, cô cũng chân thành nói rằng nếu giữa quà và phong bì, cô nghiêng về phong bì. Nhiều món quà vào những lúc túng quẫn cô đánh bán đi dù rất tiếc...

Nghe đến đây, nhiều người có thể phê phán, chê trách, có thể nghĩ giáo viên gì mà... nhưng đặt vào hoàn cảnh cô sẽ hiểu phần nào tâm tư. Cô ở tỉnh, dạy học tại TPHCM, chồng bị tai nạn - sau khi nằm viện điều trị nửa năm trời, cô phải chạy vạy vay nợ đến cả trăm triệu đồng, giờ chồng cô nằm liệt một chỗ phải bón từng thìa. Một mình cô cáng đáng mọi việc trong nhà từ trả nợ, trả tiền nhà trọ hàng tháng, lo mọi chi tiêu, chăm chồng, lo con nhỏ chưa đến hai tuổi... Cô phải tích cóp từng đồng nhỏ, nhiều món quà cô yêu lắm, thích lắm, cũng muốn bóc ra mà rồi tiếc quá không nỡ dùng.

GS.TS. Vũ Gia Hiền cho hay, khi cho đi hay tặng ai cái gì đó, người cho chính là người hạnh phúc đầu tiên rồi mới đến người nhận. Cách tặng - tặng với thái độ trân trọng, đồng cảm, sẻ chia - là điều quan trọng hơn cả việc bạn sẽ tặng cái gì. Còn tặng theo kiểu "ai oán", để đòi hỏi, đánh đổi ở người nhận thì tặng bất cứ thứ gì cũng không nên.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP