Công nhân hoàn thành việc đấu nối với đường ống đã nằm dưới đáy sông Hàn |
20 ngày khoan
Chiều 2/10, đoạn đường Chương Dương nằm ở bờ đông sông Hàn, dưới chân cầu Tuyên Sơn, hàng chục công nhân cùng phương tiện đang hối hả với công việc. Nếu không dừng chân hỏi chuyện, có lẽ nhiều người đi đường sẽ ngỡ rằng, công nhân đang cải tạo đường cống thoát nước như thường gặp, chứ không phải đang thực hiện những công đoạn cuối cùng của một tuyến đường ống dẫn nước ở TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Tập, phụ trách thi công Cty CP đầu tư và xây dựng TNG cho hay, ngày 8/9, mũi khoan thăm dò, dẫn hướng có gắn thiết bị định vị chính thức được đưa xuống sông Hàn. Đến chiều 27/9, việc kéo ống từ bờ tây qua bờ đông đã hoàn thành. Đường ống lớn D900 đã nằm gọn dưới đáy sông, chỗ sâu nhất cách đáy sông từ 10 - 15m, cách mặt nước từ 20 - 25m. Đây là đường ống đầu tiên xuyên qua sông Hàn.
“Khoảng cách từ hai bờ sông Hàn tại vị trí chọn đặt đường ống là hơn 370m. Để hoàn thành việc khoan, kéo ống với đường kính lớn, dài như thế này đòi hỏi sự giám sát kỹ càng, khoan liên tục 24/24 giờ. Có những ngày cao điểm anh em công nhân phải làm việc trên công trường 3 ca, bất kể thời tiết. Công nghệ mới, gọn gàng và ít phương tiện, người dân đi ngang không để ý kỹ sẽ không biết chúng tôi đang khoan xuyên sông Hàn” ông Tập cho biết.
Công nghệ khoan kéo ống trên thế giới được nhiều nơi áp dụng, nhưng ở Việt Nam theo ông Tập chỉ mới được triển khai thời gian gần đây. Kéo đường ống kích cỡ lớn xuyên qua sông Hàn với địa chất khá phức tạp, nhiều cát là việc không hề dễ.
“Anh em phải ngồi thuyền, mở máy tính theo dõi đường đi, cự ly, độ sâu, địa chất ở đáy sông. Các thông số từ thiết bị định vị của mũi khoan dẫn đường được truyền về máy tính. Các kỹ sư sẽ tính toán để tiếp tục thực hiện việc khoan mở rộng, tạo vách để kéo ống. Tất cả phải chính xác tuyệt đối để đảm bảo việc kéo ống thông suốt” ông Tập nói.
Để đường ống D900 lọt, sau mũi khoan thăm dò, dẫn đường các mũi khoan kích thước lớn hơn được đưa vào để nâng đường kính đường dẫn từ 400, 600, 900 lên 1400. Các mũi khoan vừa khoan vừa phun chất đông cứng tạo vách tạm thời trong vòng không quá 48 giờ. Khi đường ống dẫn đạt đến đường kính 1.400mm việc kéo ống sẽ được tiến hành. Máy kéo có lực kéo 100 tấn, vận hành trong khoảng 15 giờ mới kéo được 370m đường ống D900.
Trắng đêm đưa đường ống vào đường dẫn đã được khoan xuyên đáy sông Hàn |
Giải cơn “khát” nước
Chiều 27/9, từ bờ tây sông Hàn, đường ống khổng lồ được kéo qua đường ở bờ đông thành công. Phần quan trọng nhất của công việc đã hoàn thành. Đường ống khủng đã nằm vĩnh viễn dưới đáy sông, ghi dấu lịch sử mũi khoan xuyên đáy sông Hàn đầu tiên của Đà Nẵng.
“Đường ống lớn và dài lần đầu tiên đi xuyên qua sông Hàn mà mặt sông không một gợn sóng, không đục màu không ai tin. Đây là giải pháp hiện đại, tối ưu với dòng sông Hàn vốn đã rất nhạy cảm” ông Hồ Minh Nam, Phó giám đốc Cty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết.
Việc quyết định và lựa chọn việc khoan xuyên đáy sông Hàn để làm đường ống dẫn nước, nâng công suất cung cấp nước cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được lãnh đạo TP Đà Nẵng và Dawaco bàn bạc kỹ ở thời điểm Đà Nẵng rơi vào “khủng hoảng” thiếu nước sinh hoạt. Hai phương pháp gồm: đánh chìm đường ống theo cách làm truyền thống và khoan ngầm xuyên sông được đưa ra.
Theo ông Nam, khi tính toán, yếu tố nhạy cảm của dòng sông Hàn được đặt lên hàng đầu. Nếu thực hiện theo phương pháp đánh chìm, phải huy động phương tiện, máy móc để đào múc, phá dỡ bờ kè hai bên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng sông. Ảnh hưởng lớn nhất mà ai cũng sẽ thấy là dòng sông sẽ ô nhiễm, không còn xanh trong do quá trình thi công. Việc nhấn chìm 370m đường ống lớn qua dòng sông Hàn theo tính toán phải mất 45 - 60 ngày trong điều kiện thời tiết thuận lợi, thi công đảm bảo tiến độ. Ngoài ra, việc đặt ống theo phương pháp cũ sẽ cản trở dòng chảy, ống có thể nổi lên ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí phát sinh đi kèm như phải có biện pháp cảnh giới, phân luồng giao thông trên sông, cấp phép phương tiện… sẽ làm tăng thêm chi phí. Tất cả đã được tính toán, để đảm bảo lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường cho dòng sông Hàn thơ mộng đang mùa du lịch.
“Khoan kéo ống là phương án tối ưu. Theo tính toán sẽ mất 25 ngày khoan kéo ống nhưng chưa tới 20 ngày đã hoàn thành. Đây là một giải pháp mới cần áp dụng cho các đô thị mới như Đà Nẵng” ông Nam nói.
Đường ống xuyên sông Hàn hoàn thành sẽ thay thế 4 đường ống hiện đang nằm trong “bụng” cầu Tuyên Sơn đã lỗi thời và hư hỏng. Ông Nam cho hay, đấu nối hoàn thành, sẽ cải thiện, bổ sung 20.000m3 - 30.000m3 nước/ngày đêm cho 2 quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Nếu áp lực tốt, lưu lượng nước bổ sung có thể lên đến 80.000m3/ngày đêm.
Bỏ ra 10 tỷ đồng cho việc thực hiện khoan kéo 370m đường ống ngầm xuyên đáy sông Hàn giúp Dawaco bán được nước nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Nam, lợi ích đó không thể bằng lợi ích xã hội. Đó là sự ổn định lâu dài về nguồn nước cho 2 quận trọng điểm du lịch. Người dân và doanh nghiệp yên tâm hơn về nguồn nước, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh.
Nguy cơ Đà Nẵng nhiễm mặn thường xuyên Hiện nay, Đà Nẵng và Quảng Nam đang hợp tác để thực hiện dự án sông Cổ Cỏ, theo ông Nam việc này hoàn thành sẽ đặt Đà Nẵng trước nguy cơ nhiễm mặn thường xuyên. Bởi sông Cổ Cỏ nối với Cửa Đại sẽ làm tăng lượng nước mặn vào hệ thống sông ở Đà Nẵng. Hiện nay, TP Đà Nẵng chỉ đạo khi nào có nhiễm mặn gay gắt mới làm đập tạm. Về lâu dài, đã đến lúc Đà Nẵng cần xây dựng đập ngăn mặn vĩnh cửu, áp dụng công nghệ mới để không cản dòng chảy. Chỉ khi nước đầu nguồn đảm bảo cho nhà máy, thì thành phố mới yên tâm không thiếu nước. |
Tác giả: NGUYỄN THÀNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong